Sự kiện diễn ra tại Nhà hát Lớn tối 16-17/4, không quảng bá rộng rãi nhưng được người xem đón nhận. Thi Nguyễn, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, nghe thông tin về vở từ năm ngoái nhưng không mua được vé. Khi nhà hát bán vé ngày 17/4, chị mua được hai vé hạng một triệu rưỡi đồng để đưa mẹ đi xem. Chị cùng nhiều khán giả ủng hộ suốt 150 phút của vở diễn.
Lần đầu tác phẩm dựa trên nguyên tác văn học kinh điển của Victor Hugo được dàn dựng trên sân khấu Việt với hoàn toàn bằng tiếng Anh. Vở quy tụ gần 100 nhạc công và nghệ sĩ opera trong, ngoài nước. Toàn bộ phần lời ca cũng như thoại được các diễn viên trình diễn tiếng Anh, có màn hình nhỏ hiện phụ đề tiếng Việt từng phân đoạn để khán giả dễ theo dõi.
Vở chia làm hai màn, bắt đầu từ câu chuyện của nhân vật chính Jean Valjean được trao giấy xác nhận tự do sau 19 năm tù đày vì ăn cắp một mẩu bánh mì. Do phải mang giấy thông hành vàng (dấu hiệu của người từng phạm tội), anh chịu sự xa lánh của mọi người. Ngay cả khi đã đổi tên với khao khát hoàn lương, nhiều năm liền anh phải trốn chạy sự truy lùng của thanh tra Javert. Người xem đi theo cuộc đời thăng trầm của Jean Valjean từ khi rời ngục cho tới cuối đời, gặp gỡ các nhân vật như Javert, Fantine, Marius, Cosette, vợ chồng Thénardier hay Éponine.
Hơn 50 nhạc công của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đem tới những bản nhạc kinh điển như Do You Hear the People Sing?, One Day More, On My Own và tất nhiên không thể thiếu I Dreamed a Dream. Những người khốn khổ Việt Nam trung thành với nguyên tác nhạc kịch. Những giai điệu quen thuộc vang lên trong các trường đoạn gắn liền số phận nhân vật, tạo cảm xúc. Các màn aria (biểu diễn độc lập các khúc hát đặc trưng và nổi trội nhất trong opera) giữa những nghệ sĩ Việt như Đào Tố Loan, Thế Tùng Lâm, Trịnh Thanh Bình, Bùi Thị Trang trong các vai chính Fantine, Javert, Jean Valjean với dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voices được dàn dựng công phu. Các diễn viên đa quốc tịch - Pháp, Ba Lan, Nga, Italy... - tạo thành tổng thể hài hòa về thoại, các đoạn hát đơn, trường ca với phần bè kết hợp âm thanh dàn nhạc dây.
Âm nhạc giúp lôi cuốn khán giả từ đầu tới cảnh cuối. Hiệu ứng màn chiếu sân khấu cùng đồ họa góp phần giúp các nghệ sĩ thể hiện nội dung hiệu quả hơn. Phục trang cho thấy thân phận của những tầng lớp thấp hèn trong xã hội Pháp thế kỷ 19, với tông màu nâu đồng đều.
Mỗi nhân vật trong tuyến chính như Jean Valjean, Javert, Fantine, Cosette hay Marius đều có ít nhất hai diễn viên thủ vai và thay đổi theo từng đêm diễn. Vì thế, các nghệ sĩ không đuối sức khi thể hiện vở nhạc kịch ở trường đoạn tâm lý nặng.
Nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền nói: "Tôi từng đọc tác phẩm Những người khốn khổ từ bé xíu, giờ lại được trở lại câu chuyện đầy cảm động thông qua vở nhạc kịch này. Cảm ơn các nghệ sĩ đã có những cống hiến rất đẹp cho công chúng thủ đô". Khán giả Thi Nguyễn cho biết bất ngờ trước quy mô dàn dựng cũng như cảm xúc vở diễn mang lại.
Tuy nhiên, vở có vài điểm yếu. Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ các diễn viên Việt sử dụng tự nhiên, thường xuyên nên ở một số trường đoạn, đài từ hay cách phát âm của họ không rõ ràng, nhất là nhân vật Jean Valjean hay Éponine. Trong khi đó, các diễn viên nhỏ tuổi như Mai Vy, Jac An trong vai Gavroche hay Chúc Anh, Ngọc Linh vai Cosette bé dùng tiếng Anh tự nhiên, linh hoạt khi thoại và hát. Phần hiệu ứng minh họa của màn hình sân khấu được thực hiện khá tỉ mỉ nhưng đôi lúc sa vào diễn giải cho ca từ, làm xao lãng sự tập trung vào nhân vật.
Đầu năm 2020, Nhà hát Nhạc vũ kịch cùng tổng đạo diễn - NSƯT Trần Ly Ly - tập trung sáng tạo, dàn dựng vở nhạc kịch trong sáu tháng và công diễn giữa tháng 11 năm ngoái, hiện đã diễn 10 buổi. Các đêm diễn không thường xuyên nhưng đều "cháy" vé tại Hà Nội, với giá dao động từ 500.000 đồng tới một triệu rưỡi một vé. Vở nhạc kịch sẽ được diễn tại Đăk Lăk vào cuối tháng 5 và đến với khán giả TP HCM đầu tháng 6.
Nguyên Minh (ảnh: VNOB)