Tove Jansson, nữ nhà văn, họa sĩ và điêu khắc nổi tiếng người Phần Lan gốc Thụy Điển, trưởng thành trong một gia đình nghệ sĩ ở Helsinki, Phần Lan, có cha là một nhà điêu khắc và mẹ là một họa sĩ minh họa. Thuở nhỏ, trong khi mẹ làm việc, bà ngồi bên cạnh vẽ những tác phẩm của chính mình. Năm 1929, Tove Jansson khi đó mới 15 tuổi, đã bắt đầu làm việc như một họa sĩ vẽ tranh biếm họa cho tạp chí Garm của Phần Lan. Hình ảnh đầu tiên của những chú Mumi, được cho là ra đời sau một trận tranh cãi giữa Tove với người anh về triết học Immanuel Kant. Bà vào nhà vệ sinh, phác thảo trên tường "những sinh vật xấu xí nhất có thể tưởng tượng" và đề dưới đó là "Kant". Chính con vật xấu xí này, hay phiên bản căng mọng, đầy thân thiện sau này của nó, đã mang lại cho Tove Jansson danh tiếng trên toàn thế giới.
Bộ truyện về Mumi gồm 9 tập, phát hành lần đầu tiên năm 1945 và cuốn cuối cùng xuất bản năm 1993. Bằng trí tưởng tưởng phong phú, Tove Jansson đã vẽ nên thế giới kỳ thú, lập dị của những chú Mumi mõm dài, da trắng muốt, béo múp, trông như hà mã. Mumi Bố, Mumi Mẹ, Mumi Con cùng những sinh vật lạ khác chung sống trong thung lũng Mumi. Những câu chuyện nhẹ nhàng, nhân văn cùng hình ảnh minh họa mộc mạc, ngộ nghĩnh của Tove gieo vào lòng người đọc hình ảnh cuộc sống thanh bình xứ Bắc Âu. Ở đó, có những cuộc phiêu lưu kỳ thú, có thiên nhiên tươi đẹp, tình cảm gia đình ấm áp, nhẹ nhàng, có cả những biến cố khiến cả gia đình Mumi phải hợp sức vượt qua.
Bộ sách phổ biến ở cả Phần Lan và Thụy Điển từ khi ra đời. Nhân vật Mumi từ trang giấy bước vào các vở opera. Sinh viên Thụy Điển được yêu cầu nghiên cứu về Mumi. "Triết lý" Mumi được cho là mang tính tình cảm hơn là lý trí. Năm 1952, Mumi được giới thiệu trên báo Anh và sau đó là 12 quốc gia cùng hàng trăm tờ báo khác. Hiệu ứng Mumi lan rộng. Các chương trình phát thanh, truyền hình, sân khấu, điện ảnh lần lượt có mặt nhân vật này. Nhật Bản đưa cơn sốt Mumi vào, như một cách phản ứng trước bối cảnh tan rã các mối quan hệ gia đình và liệt tác phẩm vào dòng văn học thiếu nhi sáng giá. Từ 1990 đến 1992, Nhật Bản và Phần Lan hợp tác sản xuất bộ phim truyền hình Những câu chuyện ở thung lũng Mumi dài 104 tập, được đông đảo công chúng yêu thích. Walt Disney từng muốn mua "thương hiệu" Mumi nhưng bị từ chối. Tove cùng người anh của bà đã thành lập Moomin Characters, đến nay vẫn là một trong những công ty có lợi nhuận lớn nhất Phần Lan.
Phillip Pullman - tác giả bộ truyện His Dark Materials (Những tài liệu đen tối của hắn) - cho rằng, Tove xứng đáng được trao giải Nobel cho những câu chuyện sáng tạo và những bức vẽ hoàn hảo của bà. Tove đã "phản hồi thế giới bằng sự tươi mới, độc đáo hiếm thấy trong lĩnh vực sách thiếu nhi", Phillip Pullman đánh giá về Tove trong tạp chí về sách cho trẻ em Books for Keeps. Phillip Pullman gọi bà là một thiên tài.
Dù không được giải thưởng cao quý nhất trong văn chương, những cuốn sách về Mumi của bà đến nay đã bán ra hàng triệu bản, được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Và 13 năm kể từ ngày bà qua đời, chúng vẫn tiếp tục có sức lan tỏa tới nhiều thế hệ thiếu nhi Phần Lan và thế giới.
Nhà văn qua đời năm 2001, ở tuổi 86. Suốt cuộc đời bà không tách rời thế giới Mumi. "Bạn cảm thấy một cơn gió lạnh trên đôi chân mình khi bước ra ngoài thung lũng Mumi", bà nói. Giải thích về sự thành công của mình, Tove Jansson chia sẻ: "Giấc mơ, quái vật và tất cả biểu tượng khủng khiếp của tiềm thức kích thích tôi".
Boel Westin, giáo sư văn học tại Đại học Stockholm, đã viết luận án tiến sĩ dựa trên thế giới Mumi và sự hiểu biết về Tove Jansson. Trong luận án, Boel Westin so sánh nữ nhà văn với Shakespeare, James Joyce, Virginia Woolf, thậm chí "Chekov được nêm chút gia vị Poe" (ông tổ tiểu thuyết trinh thám Edgar Allan Poe). Trên thực tế, Jansson không cần đến những so sánh như vậy, bởi viết đối với bà là một điều hiển nhiên để giải phóng những ám ảnh lâu dài về những câu chuyện siêu thực của mình.
Cuộc đời Tove Jansson cũng được nhắc đến với mối quan hệ đồng giới, được phản ánh trong Mumi theo một cách đáng kinh ngạc. Tove nhận ra một nửa còn lại của mình ở Tooti, một họa sĩ vẽ tranh minh họa như mẹ bà. "Đối tác" lâu năm này đã bước vào những cuốn sách về Mumi với tên gọi Too-Tikki, một sinh vật đầy tính nghệ sĩ với cái đầu hoang dã, trong chiếc áo len Breton và một chiếc mũ nồi.
Tove Jansson nhận nhiều giải thưởng của Phần Lan và quốc tế, trong đó đáng chú ý là Giải thưởng Hans Christian Andersen (1966), Giải thưởng của Viện Hàn lâm Thụy Điển (1972, 1994) và ba Giải thưởng Nhà nước Phần Lan về Văn học (1963, 1971, 1982).
Song Ngư