Ban tổ chức cho biết trao giải cho ông vì có tác phẩm xuất sắc trong năm cùng bề dày sáng tác cho thiếu nhi. Nhà văn phát biểu: "Giải thưởng là động lực để tôi tiếp tục viết cho các em. Với tôi, văn học thiếu nhi là nền tảng để xây dựng, bồi đắp tâm hồn lớp trẻ". Ở tuổi 70, ông cho biết vẫn cập nhật các thông tin mới, ngôn ngữ mạng để tác phẩm có hơi thở cuộc sống hiện đại. Mỗi ngày, nhà văn đều đặn ngồi vào bàn làm việc, sáng tác như một thói quen.
Alo!... Cậu đấy à? tiếp nối mạch cảm hứng của cuốn Xóm bờ giậu (Giải B Sách Quốc gia 2019), là câu chuyện về các loại côn trùng, động vật nhỏ ở một vùng quê. Sách có nhiều hình minh họa sinh động của họa sĩ Kim Duẩn. Nhà văn Trần Đức Tiến nói: "Con người là một phần của thiên nhiên, không thể sống tách rời thiên nhiên. Nhà văn phải biết cách nghe thấy tiếng hát của con thằn lằn, tiếng thở dài của con ốc sên, và đọc được bài thơ của con dế trên chiếc lá mít... Hơn thế, còn phải làm cho bạn đọc nhỏ tuổi tin vào những điều đó, để cùng học cách nghe và đọc nhiều thứ khác. Đấy là thử thách khó vượt qua nhất, nhưng cũng là tham vọng lớn lao của những người viết truyện đồng thoại".
Nhà văn Trần Đức Tiến sinh năm 1953 ở tỉnh Hà Nam, sống và làm việc ở Hà Nội. Cuối 1986, ông chuyển vào thành phố biển Vũng Tàu định cư. Trong giới văn chương, ông được xem là người có duyên với các cuộc thi, đoạt hàng chục giải thưởng như: giải nhì truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1987 và 1990), giải nhất truyện ngắn báo Người Hà Nội (1986), giải nhất cuộc thi Tiểu thuyết và truyện ngắn của Nhà xuất bản Hà Nội (1993), giải B của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2004), giải nhất viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn và Bộ Giáo dục - Đào tạo (2005), giải nhất cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức. Ông từng in nhiều sách, trong đó có nhiều quyển dành cho thiếu nhi như Dế mùa thu, Thằng Cúp, Làm mèo, Trăng vùi trong cỏ, Trên đôi cánh chuồn chuồn.
Ngoài giải thưởng lớn Hiệp sĩ Dế Mèn, ban tổ chức trao giải Khát vọng cho Vua ngan xóm hồ (bản thảo truyện dài của Uông Triều), Ở một nơi có rất nhiều rồng (bản thảo truyện dài của Mộc An), Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ (truyện dài của Lạc An, Nhà xuất bản Kim Đồng), Chùm tranh của Hoàng Nhật Quang (11 tuổi, Lạng Sơn). Hai giải do hội đồng giám khảo bình chọn là Nghé ọ Hai Xoáy (truyện dài của Phạm Anh Xuân, Nhà xuất bản Văn học), Tôi, bố tôi, và... và Từ những bức thư (chùm bản thảo của Đoàn Lữ Thụy Phương).
Nhà văn Uông Triều cho biết anh tham dự cuộc thi vì lời hứa với các con. Ngoài ra, anh muốn tạo điều kiện cho con và các em nhỏ khác cảm nhận được nhiều điều thú vị về thiên nhiên qua trang sách.
Trong số những gương mặt đoạt giải, Hoàng Nhật Quang gây chú ý với chùm 40 bức tranh khổ lớn. Họa sĩ Thành Chương - thành viên ban giám khảo - nhận xét tranh của Nhật Quang vừa có nét hồn nhiên trẻ thơ, vừa đậm suy tư, già dặn trước tuổi. Theo ông, ngoài đam mê, cậu bé là một tài năng hiếm có.
Giải Dế Mèn do báo Thể thao Văn hóa tổ chức lần đầu năm 2020, nhằm khích lệ các sáng tác, trình diễn nghệ thuật của thiếu nhi hoặc vì thiếu nhi. Tác phẩm tham dự có thể thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật, giải trí như: Văn học, điện ảnh, âm nhạc mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh, truyện tranh... Năm đầu tiên, truyện dài Làm bạn với bầu trời (Nguyễn Nhật Ánh) và Chuyện của anh em nhà Mem và Kya (Nguyễn Quang Thiều) cùng nhận giải thưởng cao nhất. Tuy nhiên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từ chối vì nằm trong ban giám khảo. Năm ngoái, ban tổ chức không tìm được tác phẩm xứng đáng nhận giải Hiệp sĩ. Sách Cơ Bản là Cơ Bản (tác giả Phạm Huy Thông) nhận giải Khát vọng.
Giải thưởng năm nay thu hút 121 tác phẩm dự thi, hội đồng giám khảo gồm nhà thơ Trần Đăng Khoa, họa sĩ Thành Chương, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Lê Linh, nhà báo Lê Xuân Thành. Ngoài vinh danh các tác phẩm, ban tổ chức đấu giá một số hiện vật nghệ thuật, gây quỹ ủng hộ trẻ em vùng cao.
Hà Thu