Nhà văn Nguyễn Văn Thọ. |
- "Vàng xưa" có vẻ như vẫn còn mang chút phong vị của lính, anh nghĩ sao?
- Chiến tranh đã qua lâu rồi. Nhưng cái chất lính đã ngấm vào trong máu, tôi mang trong mình cái nhìn của một anh lính trinh sát, nhìn mọi vật rồi suy xét ra bản chất của nó và muốn truy nó đến tận cùng. Có chăng cái chất lính còn vương vất trong trang viết đấy chính là cách nói trắng ra, nhiều khi có vẻ bỗ bã của người viết.
- Trong truyện có nhiều chiêm nghiệm về những cảnh đời éo le, số phận có hoàn cảnh xô đẩy, do đâu anh có được điều đó?
- Tôi viết từ chính những gì đang diễn ra xung quanh tôi và cộng đồng những người Việt xa xứ. Viết ra để tâm sự, để giải toả chính mình. Vào những năm 80, khi tôi sang Đức, cùng với những người bạn của mình đi kiếm sống lần đầu tiên, tôi nhìn thấy một chiếc tủ lạnh đầy ắp thức ăn: xúc xích, bánh mỳ, sữa tươi... mà thấy ứa nước mắt khi nghĩ đến chiếc tủ lạnh với những chấm đen han gỉ và thủng lỗ chỗ của chị gái mình dùng để chạy đá. Tôi từng chứng kiến cảnh cô gái cùng đoàn giữa đêm chạy vào phòng với lá thư của người chồng, khuôn mặt đẫm nước mắt. Tôi hiểu nỗi nhớ nhà và tình yêu của cô dành cho chồng, nhưng cũng chỉ mấy tuần sau, cô ấy "cặp" với một anh công nhân xây dựng. Tôi muốn hiểu được căn nguyên xâu xa của những sự sa ngã đó và thể hiện nó trên trang viết.
- Anh cảm nhận thế nào về những người Việt sống xung quanh mình?
- Tôi thấy cảm thương với thân phận người phụ nữ. Có thể bây giờ, cuộc sống của họ đã đủ đầy, không còn phải lăn lộn bon chen như ngày xưa, nhưng có những sự mất mát đổ vỡ không thể bù đắp được. Xa quê hương mới thấy giá trị của những gì thân thuộc quanh mình. Trong tập sách tôi đã viết xong Đào ở xứ người, tôi dành nhiều suy nghĩ và sự đồng cảm với kiếp người đàn bà. Các cụ ngày xưa thường bảo, trong các loài hoa có mai là loài cao quý nhất. Nhưng theo tôi, có hai loài hoa đáng được tôn vinh là hoa đào và mai. Người phụ nữ VN xứng đáng được ví như loài hoa ấy. Trong những tác phẩm của mình, bao giờ tôi cũng có sự đồng cảm đặc biệt với nỗi khổ của họ. Tôi cũng dự định sẽ viết riêng một cuốn tiểu thuyết về đề tài này.
- Trở về VN, anh thấy bầu không khí văn chương trong nước thế nào?
- Cách đây 8 năm, khi trở về nước, trò chuyện với những ông bạn văn nghệ sĩ, người ta bảo tôi là kẻ dở hơi gàn dở, thậm chí không muốn nghe tôi nói. Nhưng đến năm nay, trở lại, tôi thấy bầu không khí văn chương rất cởi mở, có những chuyển biến rõ rệt. Tôi thấy vui khi những kẻ tha hương như tôi sau bao năm lưu lạc đất khách được quê hương rộng cửa đón nhận.
- Bây giờ, khi đã có cuộc sống đầy đủ bên đó, anh nghĩ sao về ý định sống lâu dài ở VN?
- Có lẽ không gì hạnh phúc hơn khi được sống ở trên chính quê hương mình. Ở Đức, tôi từng rơi nước mắt khi nhận được sự chăm sóc của một bà cụ người nước ngoài. Thấy tôi đứng bán hàng trong đêm lạnh, cụ mang đến cho tôi một bát súp do chính tay cụ nấu. Sự quan tâm đó càng làm tôi thấy nhớ hình ảnh những bà mẹ già đã cưu mang người lính chúng tôi trong chiến tranh. Quỹ thời gian của tôi còn rất ngắn khi đã bước qua cái ngưỡng một nửa cuộc đời. Tôi sẽ cầm bút đến năm 65 tuổi, có lẽ đến khi ấy những điều tôi viết ra sẽ nhạt thếch, chẳng ai muốn đọc. Vì thế bây giờ, tôi phải sống đến tận cùng của mọi giác quan, viết ra tất cả những gì mình cảm nhận được. Trở về nước, sống trong môi trường sáng tác trong nước, tôi mới được là mình.
Hà Anh thực hiện