Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ, thời gian vừa rồi ông ốm một trận “tưởng ra đi rồi”. Hơn 4 tháng qua, ông bị thoát vị đĩa đệm cộng thêm đau thần kinh toại, đau hết nửa người không đi được đến nỗi phải bò lê bò càng. “Giờ khỏi đến 85 - 90% là may lắm rồi chứ mấy tháng trước thảm hại, khủng khiếp, đáng sợ lắm”, tác giả Tướng về hưu nhớ lại.
Nói về vị “thuốc tiên” đã cứu sống mình, ông kể đã thử chữa thuốc tây không khỏi, đông y cũng không ăn thua, may có người giới thiệu gặp được ông thầy lang ở Việt Yên, Bắc Giang. Cứ 3 - 4 ngày “thầy” lại xuống tận nhà và chỉ chữa có mấy phút trong gần 3 tháng mà ông bình phục trở lại, đi đứng như thường.
Nhưng dường như với một nhà văn đã đi trọn thời kỳ văn học đổi mới, sức khỏe, bệnh tật không phải và không thể là lý do chính buộc ông phải buông bút và đoạn tuyệt với con đường văn chương chữ nghĩa. Trong cuộc trao đổi với VnExpress, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp giãi bày: “Viết thế thôi, viết nữa bọn trẻ nó thấy mình nó ghét", "Tuổi tôi giờ là tuổi vứt đi, 65 rồi, giờ ngồi nhà lo dăm ba việc gia đình và trông cháu, tóm lại là chờ chết”…
Với ông, đây là lúc thích hợp để dừng lại: “Tôi xong rồi. Tôi tự thấy đủ tri túc. Chứ viết nữa, làm trò gì nữa đâm dở", nhà văn chia sẻ.
Tác giả Không có vua cũng tâm sự thêm, có cuốn tiểu thuyết được ông dụng công khá lâu nhưng suốt 2 năm qua không xin được giấy phép xuất bản nên ông cũng ngán. “Đứa con tinh thần” vẫn còn ở dạng bản thảo có tên Bên dìa nước là một thử nghiệm của ông ở dạng văn học kiếm hiệp, thể loại trước nay ít nhà văn Việt Nam nào viết dù rất nhiều người mê những tác phẩm của Kim Dung hay Cổ Long - hai tác giả hàng đầu của tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà văn khẳng định, cuốn tiểu thuyết không nghiêng về đánh đấm như các truyện chưởng thông thường mà là câu chuyện văn học, chuyện nghĩa hiệp khôi hài và có phần hoang đường được chép lại bên dìa nước ở kinh thành. Bên dìa nước được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết từ năm 2004 song lúc đó ông cảm thấy chưa đạt nên “vứt đấy”, phải đến 8 năm sau ông mới tiếp tục quay lại với bản thảo này, chỉnh sửa kỹ lưỡng hơn để hoàn thiện. “Sức sáng tạo bao giờ cũng vậy, phải được kích thích, làm ra sản phẩm phải được đón nhận, phải có kết quả, không có kết quả thì làm làm gì”, nhà văn thẳng thắn nói.
Nhà văn bậc thầy của thể loại truyện ngắn thời kỳ đổi mới khẳng định, không phải ông đã chán viết, cạn ý tưởng mà ông cho rằng, “cố gắng của mình cũng chỉ đến thế”. Dù đã rất nổi tiếng trong nước, ông nhận thấy khó mà vươn ra được thị trường nước ngoài trong tình hình hiện tại.
“Văn học ra nước ngoài liên quan đến dịch, chào hàng, xuất bản vì vậy rất cần huấn luyện viên, ông bầu, nhà tổ chức đứng sau nhà văn. Văn chương Việt Nam như đám đá bóng Hàng Đẫy nghiệp dư, lăng nhăng, còn văn học thế giới cũng như bóng đá Anh, Italy vừa ra tiền bạc, ra hồ hởi, hưng phấn vừa ra cả những mối quan hệ”, ông khẳng định.
Theo ông, văn học Việt Nam thời đổi mới đến với nước bạn hầu hết là tự phát, là giai đoạn mở đường nên còn rất phập phù. “Thế hệ chúng tôi ra nước ngoài như chim chích lạc rừng, lọt vào thành phố không biết chỗ nào tả, chỗ nào hữu, không biết ai chân thành, ai dối trá”, nhà văn nhận định.
Theo đánh giá của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người ra nước ngoài thành công nhất chính là nhà văn Bảo Ninh với cuốn tiểu thuyết giá trị Nỗi buồn chiến tranh. Nỗi buồn chiến tranh được đón nhận là bởi ngoài yếu tố văn học, cuốn tiểu thuyết còn có ý nghĩa khai sáng.
Bản thân Nguyễn Huy Thiệp cũng là một trong số nhà văn Việt Nam có tác phẩm được dịch nhiều trên thế giới. Truyện ngắn của ông được dịch sang nhiều ngôn ngữ như Pháp, Anh, Italy, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Tuy nhiên, ông tự nhận mình là trường hợp mang tính tự phát nhiều hơn và không thành công được như Bảo Ninh. Do không có người hướng dẫn nên nhiều lần ông đã để cơ hội vuột khỏi tay.
Khi được hỏi việc dừng lại lúc này có khiến ông cảm thấy tiếc nuối hay không, cha đẻ của Vàng lửa khẳng định: “Tôi không có gì ân hận về đời văn của mình. Tôi cũng đi được từ đầu đến cuối trong suốt 25 năm đổi mới, từ tay không tên tuổi gì dần được coi là một trong những nhà văn gọi là có thành tựu trong nước và nước ngoài. Nhờ viết văn mà tôi đi được bao nhiêu nước, được huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino, Italy (2008)”.
Nguyễn Huy Thiệp, sinh năm 1950 ở ngoại thành Hà Nội, là một trong những chân dung văn chương đương đại nổi bật nhất Việt Nam. Ông viết truyện ngắn, kịch, tiểu luận, trong đó thành công nhất là truyện ngắn. Với hơn 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, 4 tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, Nguyễn Huy Thiệp được xem là một “hiện tượng hiếm” của văn đàn Việt Nam.
Hằng Trần