Hà Linh -
- Ông nhận được tin mình đoạt giải Premio Nonino như thế nào?
- Ban đầu, tôi được Giám đốc NXB ObarraO (NXB tác phẩm của tôi ở Italy) báo tin qua e-mail. Sau đó, tôi nhận được giấy mời của Ban tổ chức giải thưởng. Khi biết tôi có thể sang thành phố Udine nhận giải, họ đã gửi vé máy bay điện tử. Tôi đang hoàn tất thủ tục và sẽ bay vào ngày 23/1.
Ngày 25 và 26/1, tôi sẽ tham dự các hoạt động xung quanh lễ trao giải. Sau khi xong việc, có thể tôi chưa về luôn mà sang Pháp chơi cho đến 12/2.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: nguyenhuythiep.free. |
- Ông chia sẻ tin vui này với đồng nghiệp như thế nào?
- Tôi biết, khi tôi nhận giải thưởng này, người hiểu thì không sao, người không hiểu sẽ đàm tiếu này nọ. Phúc và họa vẫn đi liền với nhau là như vậy. Nên tôi không chia sẻ với người trong giới. Tôi hiểu chứ, hiểu sự đau khổ của con người khi chứng kiến thành công của người khác. Con gà còn tức nhau tiếng gáy nữa là... Lòng ghen tỵ vốn là tính người, chỉ có thể bớt đi chứ không chữa được. Con người ta còn sống là còn tham, sân, si...
Hơn nữa, cái danh rất nguy hiểm, thực danh còn đỡ, hư danh lại càng nguy...
- Giải thưởng Premio Nonino do một công ty sản xuất rượu grappa nổi tiếng của Italy thành lập. Ở nước ngoài, nhiều tập đoàn kinh doanh lớn thường tổ chức trao các giải thưởng văn học, một phần để tôn vinh các nhà văn, một phần cũng nhờ danh tiếng nhà văn để quảng bá thương hiệu của mình. Ông nghĩ sao về cách kết hợp này?
- Tốt chứ sao. Trên đời này có ai cho không ai cái gì đâu. Điều đó làm cho xã hội sinh động hơn, phong phú hơn.
Dù sao giải thưởng này cũng khiến tôi thấy tự tin hơn, rằng tác phẩm của mình cũng có một giá trị nào đó. Văn học Việt Nam được dịch ra nước ngoài rất ít. Nhưng khi có ai đó được dịch, người ta lại coi đó là kết quả của các quan hệ ngoại giao, hữu nghị, thậm chí là cả các âm mưu phi văn học. Điều đó có, nhưng không phải là tất cả. Tôi đâu có bạn bè ở nước ngoài nhiều, ngoại ngữ lại ấm ớ. Trong nước thì chả ai giới thiệu sách tôi để dịch. Nhưng tác phẩm của tôi vẫn được xuất bản ở các quốc gia khác.
Nhà xuất bản là những đơn vị kinh doanh. Sách không có giá trị nghệ thuật thì cũng phải có tính thương mại họ mới chọn xuất bản. Tiếc là tác phẩm của tôi được dịch ra tiếng Italy hơi muộn. Nếu không tôi có thể đã đoạt giải thưởng này sớm hơn.
Những tác phẩm được xuất bản tại Italy của Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: L.H.
- Là nhà văn xuất bản nhiều ở nước ngoài, nhận giải thưởng nhiều ở nước ngoài, nhưng lại không có duyên với các giải trong nước, ông có cảm giác như thế nào?
- (Suy nghĩ rất lâu) Đến Chúa Jesus còn bị hắt hủi tại quê nhà cơ mà. Tôi thì ăn thua gì.
Bây giờ nghĩ lại, vào những năm 1988-1992, việc người ta phản ứng dữ dội với sáng tác của tôi là chuyện bình thường. Cũng giống như ngày xưa, khi cả xã hội đang mặc đồ bộ đội, một cô gái đột nhiên xuất hiện với chiếc quần bò sẽ làm người khác ngứa mắt. Sau này rồi thì người ta sẽ quen dần đi.
Nhưng điều tệ hại là trong cuộc tranh luận văn nghệ đó, có những ý kiến không thuần văn chương, của những người ngoài giới, thậm chí còn có những vu cáo phi văn học...
- Đến nay, sách của ông đã được xuất bản ra bao nhiêu ngôn ngữ?
- Không thống kê được. Tôi vốn là một nhà văn thực dụng, nên tôi chỉ quan tâm đến những đầu sách do tôi đứng solo, để còn đòi nhuận bút. Còn những tuyển tập, hoặc các báo, tạp chí có chọn đăng tác phẩm của tôi thì cũng khá nhiều, nhưng thường là "phi lợi nhuận", tôi không để ý hết.
Sách in riêng tác phẩm của tôi đã xuất bản ở một số nước như Anh, Pháp, Italy, Hà Lan, Mỹ, Thụy Điển...
- Ngoài sáng tác, cuốn " Giăng lưới bắt chim" của ông cũng từng khiến dư luận xôn xao và được Hội nhà văn Hà Nội trao giải thưởng. Ông nghĩ sao về việc trở thành nhà phê bình chuyên nghiệp trong một tương lai gần?
- Không. Nhất định là không. Tôi là người sáng tác chứ không phải nhà phê bình. Tôi cũng biết thân biết phận. Lý luận là vũ khí của người khác, không phải vũ khí của tôi.
Hà Linh thực hiện