Nhà văn Trầm Hương cho biết được người thân nhà văn báo tin ông qua đời. Trước khi mất, ông điều trị bệnh tim mạch. Hai năm cuối đời, sức khỏe xuống dốc, ông dần ít góp mặt trong các buổi sinh hoạt văn nghệ, song vẫn dành tâm huyết cho nghiệp viết lách. Trầm Hương nói: "Lần cuối tôi hỏi thăm, ông vẫn khoe ý tưởng viết về không quân. Tiếc là ông ra đi khi còn nhiều trăn trở với văn chương".
Nhà văn Bích Ngân - chủ tịch Hội nhà văn TP HCM - bày tỏ thương tiếc đàn anh. Với chị, ông là một cây bút viết nhiều, viết khỏe với các tiểu thuyết nhiều tập về đề tài không quân Việt Nam. "Khi còn làm giám đốc một đơn vị kinh tế của thành phố, với lòng nhân và tính cách hào hiệp, ông đã tạo điều kiện và giúp không ít bè bạn về kinh tế, trong đó có những đồng nghiệp nhà văn...", chị cho biết.
Nhà văn Lê Thành Chơn sinh năm 1938, quê An Giang. Năm 1952, ông tham gia Vệ quốc đoàn, sau đó theo đơn vị tập kết ra Bắc. Năm 1960, ông là chiến sĩ duy nhất, cùng sáu sĩ quan, được triệu tập về Trường Văn hóa quân đội ở Lạng Sơn để ôn văn hóa và học tiếng Trung Quốc, chuẩn bị để đào tạo sĩ quan dẫn đường (hoa tiêu) trong lực lượng không quân. Sau khi hoàn tất khóa học, ông được cử đi học một khóa sáu tháng tiêu đồ gần (đánh dấu đường bay trên bàn dẫn đường tại sở chỉ huy) tại Trung Quốc. Ông là sĩ quan tiêu đồ gần đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Năm 1983, ông giải ngũ ở cấp bậc thiếu tá. Ngoài kinh doanh, ông bắt đầu viết lách bằng tên thật cùng các bút danh Lê Thanh Tông, Thành Ngọc, Lê Nam. Từ thập niên 1990, loạt tác phẩm của ông gây chú ý như Đọ cánh (tiểu thuyết, 1990), Anh hùng trên chín tầng mây (truyện ký, 1994, tái bản 1997), Người anh hùng chưa được tuyên dương (1998), Bầu trời ước vọng (2000), Tầm cao (2001), Huyền thoại đất phương Nam (2002), Bản án tản thất quân dụng (2002), Đọ cánh với pháo đài bay B52 (2002), Khối mây hình lưỡi búa (2006)...
Trong nhiều tác phẩm, ông dành bút lực miêu tả những hành động cao cả của các liệt sĩ không quân. Bằng tư liệu ông ghi được nhờ thói quen viết hồi ký, tiếp xúc đồng đội lúc các liệt sĩ còn sống, tìm hiểu từ thân nhân, ông dựng nên nhiều hình tượng nhân vật sinh động. Ông từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tập ký Anh hùng trên chín từng mây (1996), giải cuộc thi viết tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tổ chức 1998-2000 với tiểu thuyết Bản án tản thất quân dụng, giải thi viết tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 1998-2000 với tiểu thuyết Canh năm...
Tam Kỳ