Nhà văn Đào Văn Sử cho biết đại diện Tạp chí Văn nghệ Quân đội - nơi Nguyễn Quốc Trung công tác - liên lạc gia đình cố nhà văn để trao lại tro cốt. Ông Đào Văn Sử nói: "Theo tôi biết anh không có bệnh nền. Anh cần mẫn, chăm chỉ, cả đời dồn hết tâm huyết cho việc viết văn, làm thơ. Trong gia tài tác phẩm đồ sộ của anh, tôi nghĩ tiểu thuyết Biên giới làm nên tên tuổi nhà văn".
Nhà thơ Trần Đăng Khoa thương tiếc bạn thân trên trang cá nhân. Ông được tin bạn nhập viện vì Covid-19 hôm 30/8. Cả hai vẫn còn nhắn tin cho nhau đến khi Trần Đăng Khoa không liên lạc được với Quốc Trung cách đây hai ngày.
Năm 2016, ông chuyển hướng sáng tác sang đề tài thị dân với tiểu thuyết Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu, viết về những phận người éo le giữa cuộc sống đô thị nhộn nhịp. Tác phẩm gần nhất của ông ra mắt bạn đọc là Dòng sông bên chùa, xuất bản năm 2019. Tiểu thuyết lấy bối cảnh sau ngày thống nhất đất nước năm 1975. Tùng - anh bộ đội miền Bắc vào Nam được phái làm cán bộ "xóm nước đen" ở kênh Nhiêu Lộc, Sài Gòn. Biến cố xảy ra khi sư trụ trì ngôi chùa gần đó nhờ Tùng cưu mang một đứa bé bị bỏ rơi, anh buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của cư dân địa phương. Nhà văn đã khắc họa sinh động một lát cắt cuộc sống Sài Gòn qua những nhân vật thuộc đủ mọi thành phần, cùng chung sống trong xóm.
Ông từng nói: "Tôi vốn là người lính, thường viết về đề tài chiến tranh, tuy vậy trong chiến tranh vẫn có mảng sống đời thường". Ngoài tiểu thuyết, ông tâm đắc các truyện ngắn của mình. Ông từng nói trong bài phỏng vấn với nhà văn Phan Hoàng năm 2019: "Tôi tự thấy truyện ngắn của mình tiếp thu đặc tính truyện ngắn truyền thống ở cách khai thác chi tiết đắt nhất, bố cục truyện gọn, mang tính bất ngờ, giọng điệu hài hước, châm biếm. Và tôi học được sự cách tân thi pháp của truyện ngắn hiện đại ở tốc độ truyện nhanh, sử dụng nghệ thuật công cụ của kỹ thuật số tạo nên mảng màu, cắt lớp".
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung sinh năm 1956 ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, nhiều năm qua sống và làm việc ở TP HCM. Ông gia nhập quân đội năm 1974, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, theo đơn vị vào chiến trường Tây Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia trong 10 năm.
Từ những ngày đầu cầm bút, ông theo đuổi đề tài chiến tranh, người lính. Năm 1982, ông được giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Sài Gòn Giải Phóng, với tác phẩm Những tia chớp phía chân trời, thể hiện mối tình giữa một anh bộ đội biên giới và cô thanh niên xung phong.
Sau này, ông ra mắt năm tiểu thuyết Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Thời chúng mình yêu nhau, Người trong cõi người, Đất không đổi màu; tập truyện ngắn Người đàn bà hồn nhiên, Trong tiết thanh minh, Đêm trừ tịch, Người đến từ nước Mỹ, Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu... Ông công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1989, là thành viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông từng đoạt các giải thưởng văn học như: giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Sài Gòn Giải Phóng năm 1982 với tác phẩm Những tia chớp phía chân trời, giải thưởng các cuộc thi viết của Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Văn Nghệ...
Hà Thu