Nhà văn qua đời chiều 9/11, thọ 80 tuổi, kết thúc 16 năm chống chọi bệnh tật. Nhà thơ Anh Ngọc nói Lê Lựu có nét tương đồng đại văn hào Dostoevsky của Nga. Cả hai cùng có những trải nghiệm đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần, từ đó cho ra đời nhiều tác phẩm thấm đẫm giá trị hiện thực và nhân văn.
Sinh năm 1942 ở Tân Châu (Hưng Yên), vùng quê nghèo ven sông Hồng từng quanh năm lũ lụt. Gia đình ông có tám người con, nhưng năm anh chị em mất sớm. Lên 10 tuổi, ông đã sớm có ước mơ trở thành nhà báo, nhà văn. 17 tuổi, ông nhập ngũ, được tôi luyện tài năng văn chương trong môi trường quân đội.
Thuở sung sức, ông đi khắp đất nước viết văn, kiếm tiền, gặt hái nhiều vinh quang. Lê Lựu chân chất, dung dị, được lòng nhiều người. Một thời, ông sáng lập Trung tâm Văn hóa doanh nhân, cung cấp việc làm cho hơn 50 nhân viên, tạo địa chỉ hội ngộ cho nhiều tên tuổi lớn. Nhưng rồi bệnh tật quật ngã, lấy đi của ông tất cả.
Từ năm 2006, sức khỏe Lê Lựu suy sụp sau vài lần tai biến rồi mắc đủ thứ bệnh như tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến... Ông sinh hoạt khó khăn, phải nhờ người lo cơm nước nhưng vẫn kiên trì tập đứng, tập đi. Mỗi ngày, ông uống thuốc nhiều hơn ăn cơm.
Nhiều bệnh tật, ông vẫn giữ tinh thần tỉnh táo để sáng tác. Từ năm 2010 đến năm 2013, ông xuất bản ba cuốn sách - Thời loạn, Ở quê ngày ấy và Gã dở hơi. Nhiều ngày bệnh không dậy nổi, ông nằm trên giường, đọc cho thư ký đánh máy. Năm 2016, ông viết dở tiểu thuyết Kẻ chạy trốn rồi bỏ cuộc vì bệnh tật hành hạ.
Nhà văn trải qua hai đời vợ, có ba người con nhưng những năm cuối đời, ông vò võ một mình trong căn nhà ở Tam Trinh, Hà Nội. Trong nhiều cuộc trò chuyện, ông nói về vợ con bằng nỗi niềm cay đắng. Ông nhiều lần tự giễu về cái khổ của mình: "Thằng Núi trong Sóng ở đáy sông cũng đi tìm được chỗ đứng của nó, đến thằng Sài trong Thời xa vắng nó khốn khổ như thế mà cũng chưa khổ bằng tôi. Tôi đúng là bố của chúng nó về nhục nhã, mất mát".
Bệnh tật, cô đơn khiến ông nhạy cảm, mau nước mắt. Niềm an ủi của Lê Lựu trước khi nhắm mắt xuôi tay là những ngày cận kề cái chết, ông được con gái cả đón về quê hương Hưng Yên chăm sóc.
* Video: Cuộc sống tuổi già của nhà văn Lê Lựu (năm 2013)
Nhiều bạn bè nói Lê Lựu sống giản dị như một lão nông, gương mặt, đầu tóc và quần áo lúc nào cũng toát lên nét khắc khổ.
Bà Bích Ngân - Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM - cho biết có quãng thời gian được theo học nhà văn. Những năm 1989 - 1990, bà từ Cà Mau ra Hà Nội học Trường Viết Văn Nguyễn Du. Mười mấy học viên của khóa bốn chia thành hai tổ văn và thơ. Tổ văn do ba nhà văn trực tiếp phụ đạo. Đó là nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Lê Minh và nhà văn Lê Lựu. Lê Lựu là nhà văn trẻ nhất trong ba nhà văn trực tiếp đọc, theo dõi và tham gia góp ý các sáng tác của học viên. "Lúc ấy, tuổi chưa đến 50 nhưng trông Lê Lựu như một ông già tuổi lục tuần của thế kỷ trước. Ông lùi xùi trong ăn mặc, thô mộc trong cách nói, cách bày tỏ quan điểm, cảm xúc nhưng chân thành, vô cùng chân thành", bà hồi tưởng.
Sau khi tốt nghiệp, dù không gặp lại nhà văn Lê Lựu lần nào nữa, Bích Ngân vẫn âm thầm đọc những tác phẩm của ông. Năm 2021, Bích Ngân bất ngờ khi ban tổ chức Quỹ văn học Lê Lựu thông báo truyện ngắn Rượu 40 năm của bà - in trên báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam - được Ban chung khảo trao giải tư, giải quỹ văn học Lê Lựu. "Hiếm có tác giả nào mà sự tận hiến cho văn chương, cho cuộc đời đến cùng như nhà văn Lê Lựu dù chính ông phải chịu bao mất mát, thiệt thòi", Bích Ngân nói.
Sinh thời, ông cũng nhận mình "quê mùa dốt nát", "có lấy cuốc cuốc mặt ra, đắp đất màu lên cũng không ra cái con người sang trọng được". Lập nghiệp ở thành phố nhiều năm, ông vẫn giữ thói quen của người nhà quê. Mỗi bữa cơm, ông ăn dành ăn dè, chọn rau cỏ trước còn miếng ngon thì phần về cuối. Ra chợ, ông nâng lên đặt xuống, mặc cả từng đồng, coi đó là thú vui.
Nguyễn Quang Thiều kể có lần, Lê Lựu đến gặp gỡ các nhà văn cựu binh Mỹ trong một biệt thự sang trọng. Nhân lúc không có người nhìn, ông vắt cả cái chân còn nguyên giày nguyên tất lên mũi ngửi. Thế nhưng các nhà văn Mỹ lại mê những cử chỉ xuề xòa, tự nhiên ấy. Ở nhiều cuộc hội thảo, họ nói chỉ biết Lê Lựu, thích nói chuyện cùng nhà văn.
Ông cũng tự hào vì là tác giả Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh, để cùng các nhà văn cựu binh hai nước kêu gọi chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ.
Ra nước ngoài, Lê Lựu vẫn giữ những thói quen mộc mạc. Lần đầu sang Mỹ, ông từng kể mấy lần cãi nhau với cái toilet hay điện thoại nhà bạn. Trong cuốn Chân dung và Đối thoại, Trần Đăng Khoa nhớ kỷ niệm khi ông sang Nga dự hội thảo, đúng dịp nhà thơ đang tu nghiệp. Ông gọi điện rủ đàn em sang chơi, nhờ kiếm cho ít thuốc lào rồi cảm thán: "Thế ở đây không thằng nào có thuốc lào à? Thế thì chúng mày khổ thật đấy. Không có thuốc lào thì còn gì là người. Thế mà mày ở Nga đến sáu, bảy năm được thì tao phục thật". Khi Trần Đăng Khoa sang chơi, ông tặng quà quê là mấy bắp ngô luộc.
Nhà thơ Anh Ngọc gọi Lê Lựu là tài năng thiên bẩm về văn chương. "Ông không học cao, rèn luyện nhiều nhưng thành công nhờ lối viết giản dị, không màu mè, trung thực như chính con người ông. Tác phẩm Thời xa vắng của ông đã cắm một cột mốc đổi mới cho văn học Việt Nam, khi nhà văn không còn chạy theo miêu tả những điều hào nhoáng mà lắng nghe những khao khát từ chính nội tâm mình. Lê Lựu đóng con dấu về một thời xa vắng, một thời chúng ta không sống với đúng bản ngã của mình", Anh Ngọc nói.
Với Phạm Xuân Nguyên, thành công của Lê Lựu là nhờ chất nông dân xuyên suốt. Ông nói: "Suốt đời văn, Lê Lựu chỉ viết về chất nhà quê trong người mình và những người quanh mình, dù cho họ có sống ở thị thành bao năm đi nữa. Có lẽ vinh quang, thành công và cả cay đắng của Lê Lựu trong đời và văn cũng là từ đấy".
Hay tin ông mất, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến - cây bút trẻ từng được ông hướng dẫn nhiều về văn chương - cảm tác:
"Thời xa vắng, khuất bóng rồi
Cành Lê trái Lựu rụng rời đường Thu
Làng Văn, xóm Khổ sương mù
Xác xơ những chuyến đò đưa phim trường
Xác xơ cả những vở tuồng
Anh hùng đứng khóc cuối đường mây bay
Thôi ông cứ uống rượu say
Mỗi xuân, mỗi giỗ, mỗi ngày nhớ ông!".
Hà Thu (video: Thanh Tùng)