Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết được con gái nhà văn Lê Lựu thông báo ông qua đời khoảng gần 16h ngày 9/11, tại nhà riêng ở Hưng Yên. Lễ viếng nhà văn diễn ra hồi 7h ngày 10/11, lễ an táng vào 13h30 ngày 11/11. Linh cữu ông an nghỉ tại nghĩa trang thôn Mạn Trù Châu, Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên.
Cuối đời, Lê Lựu mắc nhiều bệnh tuổi già, nằm liệt một chỗ. Vài ngày trước, nhà thơ Trần Đăng Khoa đến nhà thăm nhưng ông bất tỉnh, không còn biết gì. Nhà văn trước kia sống cùng người giúp việc tại Tam Trinh, Hà Nội. Hơn một tháng nay, bệnh tình trở nặng, ông được con gái đầu đón về quê chăm sóc. Nhà văn trải qua hai cuộc hôn nhân, có ba người con.
Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói đau xót khi "nhân vật đặc biệt của nền văn học Việt Nam" qua đời. Lần cuối ông gặp nhà văn là một năm trước, khi đó, Lê Lựu suy yếu, không còn minh mẫn.
Ông Thiều nhận định nhà văn Lê Lựu đã cho ra đời những tác phẩm làm rung động đời sống văn học Việt Nam như: Mở rừng, Đại tá không biết đùa, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Cuội, Một thời lầm lạc, Thời xa vắng...
Trong đó, tiểu thuyết Thời xa vắng là bước ngoặt lớn của nền văn học nước nhà. Tác phẩm truyền tải thông điệp con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ, chứ không phải sống bằng những giá trị của người khác. Với Thời xa vắng, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước.
Ông Thiều cho biết thêm Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Ông chính là sứ giả hòa bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng trong quan hệ Việt - Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. "Lê Lựu sáng tạo ra những nhân vật còn sống mãi với người đọc Việt Nam như Giang Minh Sài. Và ông cũng sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc qua các tác phẩm ấy, dù thân xác không còn nơi trần thế", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói.
* Video: Cuộc sống tuổi già của nhà văn Lê Lựu (năm 2013)
Sức khỏe nhà văn suy yếu từ năm 2006, thường xuyên ra vào bệnh viện. Năm 2013, tại nơi ở thuộc trụ sở Trung tâm Văn hóa Doanh nhân ở Tam Trinh, Hà Nội, Lê Lựu ngày ngày tập vật lý trị liệu. Khi đó ông cho biết: "Tôi bị tai biến mạch máu não, lần này là lần thứ năm, rồi bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến... Tất cả là 14 bệnh". Cuộc sống của ông bữa thuốc nhiều hơn bữa cơm.
Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942, là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974. Thời kỳ đầu sự nghiệp, ông có nhiều sáng tác như truyện ngắn Người cầm súng (1970), tiểu thuyết Mở rừng (1976) - được xem là tác phẩm kinh điển của dòng văn học thời kỳ chiến tranh. Bộ ba tiểu thuyết khẳng định vị trí của ông trên văn đàn là Thời xa vắng (1986), Chuyện làng Cuội (1991), Sóng ở đáy sông (1994)... Ông từng đoạt giải nhì báo Văn nghệ năm 1968 cho truyện ngắn Người cầm súng, giải A Hội nhà văn Việt Nam 1990 cho tiểu thuyết Thời xa vắng...
Năm 1987, đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh mua tác quyền Thời xa vắng để chuyển thể thành phim với nhận định đây là tác phẩm văn học hay nhất về thân phận con người trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Năm 2003 bộ phim ra mắt khán giả. Năm 2000, tác phẩm Sóng ở đáy sông cũng được chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên, gây tiếng vang với khán giả.
Lê Lựu là cha đẻ của nhiều nhân vật luôn đau khổ, bất hạnh trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc cá nhân. Ông từng nói: "Thằng Núi trong Sóng ở đáy sông cũng đi tìm được chỗ đứng của nó, đến thằng Sài trong Thời xa vắng nó khốn khổ như thế mà cũng chưa khổ bằng tôi. Tôi đúng là bố của chúng nó về nhục nhã, mất mát".
Sinh thời, khi tự đánh giá về cuộc đời mình, ông cho biết: "Tôi chỉ là cái gã hạng xoàng, xuất thân từ một anh chân đất mắt toét, đánh dặm mò cua bắt ốc, giờ trở thành nhà văn, cán bộ cao cấp trong quân đội, đó là thứ trời cho, may mắn lắm rồi".
Lê Lựu còn tự hào khi trong đời viết văn của mình, ông từng là nhà văn đầu tiên của Việt Nam được mời sang Mỹ thời kỳ hậu chiến để "bắc nhịp cầu văn hóa". Khi được hỏi: "Rốt cuộc, ông mong mỏi điều gì?, nhà văn đáp: "Tôi chỉ mong được về mảnh đất tổ tiên, ăn rau cỏ ở mảnh đất của tôi, trồng rau cuốc đất, sống như người nông dân".
Hoàng Huế (video: Thanh Tùng)