Sách dày 335 trang, phát hành dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhà văn (ngày 22/11/1919), do ba người con của ông là Bùi Quang Tuấn, Bùi Quang Tú, Bùi Thúy Hồng và cháu gái Bùi Cẩm Hà biên soạn. Bên cạnh nhật ký và thư từ, gia đình đưa vào sách những bài viết và ảnh tư liệu để độc giả có cái nhìn sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp Bùi Hiển.
Tên sách được đặt theo quan điểm sáng tác văn học của cố nhà văn. "Văn học có khả năng và thiên chức đánh thức những ước ao hướng thiện và tiềm năng tự hoàn thiện của từng con người một. Tôi nghĩ thế", ông trả lời tạp chí Văn học năm 2002. Tại lễ tang Bùi Hiển năm 2009 ở Hà Nội, nhà thơ Hữu Thỉnh gọi ông là "người đánh thức thiên lương sẵn có của con người" trong bài phát biểu tiễn biệt đồng nghiệp.
Phần đầu sách là những trang nhật ký của Bùi Hiển viết từ năm 1946 đến cuối đời. Là người chỉ viết khi có đủ chất liệu, nhà văn chú trọng việc ghi chép sự kiện hàng ngày làm cảm hứng sáng tác. Khi mất, ông để lại khoảng 70 cuốn sổ tay. Những mẩu chuyện nhà, chuyện đời và chuyện nghề của Bùi Hiển phản ánh chân thực những diễn biến lịch sử đầy sôi động của thời đại ông sống.
Hai phần cuối là những bức thư Bùi Hiển viết cho gia đình và những bài viết tưởng nhớ của con cháu. Nhà văn và vợ Hoàng Thị Huệ luôn cẩn thận lưu giữ các lá thư trao đổi giữa các thành viên gia đình. Tâm tình trong thư giúp người đọc hiểu hơn về tính cách dung dị, chan hòa và sâu sắc của Bùi Hiển.
Bên cạnh khắc họa chân dung nhà văn, tác phẩm đưa người đọc "dạo chơi" dọc lịch sử nền văn chương hiện đại Việt Nam qua những bức thư trao đổi giữa cố nhà văn và các đồng nghiệp. Nhiều tác giả nổi bật của thế kỷ 20 như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên... xuất hiện trong sách.
Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu - giảng viên khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng cả đời Bùi Hiển viết để thêm hiểu con người. Trong ông luôn có sự băn khoăn về ranh giới giữa nhân tính và phi nhân tính. Con người không hẳn tốt, cũng không hẳn xấu và thường chao đảo giữa ranh giới này. Ở các tác phẩm của Bùi Hiển, cái cao đẹp và những điều thấp hèn thường lẫn lộn, xen kẽ. Nhà văn chọn cái nhìn hài hước, đôn hậu và không phán xét nhân vật của ông.
Nhà văn Lê Minh Khuê - tác giả truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi - cho biết Bùi Hiển là người sống chan hòa, dung dị nhưng sâu sắc. Trong hồi tưởng của bà, Bùi Hiển không giống nhiều nhà văn cùng trang lứa. Ông tôn trọng các tác giả hậu thế và luôn giúp đỡ, bảo vệ bà trong thời kỳ đầu gia nhập Hội Nhà văn.
Bùi Cẩm Hà - cháu gái của cố nhà văn - cho biết ông nội có tình yêu "hồn nhiên" với văn hóa nghệ thuật. Xuất thân từ dân chài, Bùi Hiển có sức khỏe tốt và ít gặp bệnh tuổi già. Cơn đau tim đầu tiên đến với ông khi đội tuyển bóng đá Việt Nam thua chung kết Tiger Cup 1998 trước Singapore. "Cả khán đài lặng đi. Có người khóc. Đội tuyển ngồi rũ xuống trên sân cỏ... Cả ngày làm việc cho khuây khỏa nỗi buồn. Rồi đêm xảy ra sự cố. Nỗi buồn nay mới ngấm, ngấm vào tim. Cơ hội ngàn năm có một, bất ngờ bị hẫng. Xưa nay hầu như chưa bao giờ đau tim. Cứ nghĩ tim mình khỏe", Bùi Hiển viết trong nhật ký về lần đầu đi khám bệnh tim.
Bùi Hiển sinh năm 1919 tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1941, ông bước chân vào văn đàn và tạo tiếng vang với tập truyện ngắn đầu tay Nằm vạ. Ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và từng được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001. Những tác phẩm đầu tay của ông được nhận xét viết theo lối tả chân thực, không lãng mạn hóa hay bần cùng hóa cuộc sống nông thôn Việt Nam trước năm 1945. Sau này, phong cách của ông dần phát triển, giàu tính tượng trưng, ẩn dụ hơn.
Giỏi tiếng Pháp, ông chịu ảnh hưởng nhiều từ các tác phẩm ngoại văn thuộc dòng văn ý thức. Bùi Hiển cũng là dịch giả quan trọng, từng giới thiệu nhiều tác phẩm tới độc giả Việt Nam. Suốt sự nghiệp, nhà văn có 32 đầu sách sáng tác và dịch chín tác phẩm. Một số tác phẩm tiêu biểu của Bùi Hiển gồm: Nằm vạ (1941), Ánh mắt (1961), Ngơ ngẩn mùa xuân (1992), Bạn bè một thuở (1999)...
Đạt Phan