H.T.
Nhà văn Bùi Hiển. Ảnh tư liệu. |
Bùi Hiển sinh năm 1919 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Trước Cách mạng, ông làm viên chức, viết văn và sống chủ yếu ở Vinh. Sau kháng chiến chống Pháp, nhà văn chuyển ra Hà Nội, công tác tại các tờ báo như Nhân Dân, Văn Học, Văn Nghệ...
Ông nổi tiếng sớm với tập truyện ngắn Nằm vạ xuất bản năm 1941. Tác phẩm thể hiện cái nhìn tinh tế, hóm hỉnh nhưng cũng rất sâu sắc, thâm thúy về cuộc sống và những con người xứ Nghệ thật thà, chất phác. Sau Nằm vạ, ông còn có các tập sách như Những tiếng hát hậu phương (1970), Hoa và thép (1972), Giản dị (1975)...
Ngoài viết văn, Bùi Hiển còn là một dịch giả. Ông là người chuyển ngữ các tác phẩm nổi tiếng của văn học thế giới như: Những người chết còn trẻ mãi của Anna Degot, Những truyện ngắn phương Đông (dịch chung); Di chúc Pháp của A. Makins; Những kẻ văn minh của C.I. Farrère... Năm 2001, nhà văn được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Tang lễ nhà văn Bùi Hiển sẽ diễn ra vào sáng 16/3 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ông yên nghỉ tại nghĩa trang Thanh Tước, Hà Nội.