Theo Bloomberg, cựu bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, đồng minh một thời của cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, có thể sẽ bị giam giữ ở nhà ngục Tần Thành, Bắc Kinh, nơi được xem là "đệ nhất nhà tù Trung Quốc".
Ông Chu Vĩnh Khang nắm giữ lực lượng an ninh và các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc trong nhiều năm. Đây là cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đầu tiên, cũng là nhân vật cấp cao nhất tính đến thời điểm này bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng mà Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng sau khi lên cầm quyền từ cuối năm 2012.
PLA Daily, cơ quan phát ngôn của quân đội Trung Quốc hôm 30/7 đăng tuyên bố quân đội nước này tuyệt đối ủng hộ quyết định điều tra Chu Vĩnh Khang, nhằm thể hiện quyết cải cách và làm trong sạch Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Giáo sư Trịnh Vũ Thạc ở Đại học Hồng Kông cho rằng Chu Vĩnh Khang không hẳn là thách thức đối với ông Tập ở thời điểm này, bởi ông ta đã nghỉ hưu. Nhưng Tập Cận Bình cần tìm một mục tiêu, một con hổ lớn để chứng tỏ rằng ông quyết tâm bài trừ tham nhũng.
Bạc Hy Lai cũng từng bị giam ở nhà tù Tần Thành trước khi bị đưa ra xét xử vào cuối năm 2013. Sau khi xét xử, tòa án không cho biết nơi giam giữ Bạc Hy Lai.
Cựu thị trưởng Bắc Kinh Trần Hy Đồng cũng bị kết án 16 năm tù vì tội tham nhũng, chỉ 2 năm sau khi Giang Trạch Dân lên nắm quyền. Cựu bí thư thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ bị kết án 18 năm tù dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Hai ông này hiện thụ án tại nhà tù Tần Thành.
Nhà tù Tần Thành nằm ở chân núi Yên Sơn, phía bắc thủ đô Bắc Kinh, cổng vào có kiến trúc như một ngôi chùa truyền thống, mỗi phòng giam rộng 20 m2.
Đây được coi là nơi có chế độ đãi ngộ tốt nhất trong số các nhà tù ở Trung Quốc. Theo tờ Huanqiu, các phòng giam ở đây rộng rãi hơn các nhà tù khác, có bàn viết, nhà vệ sinh riêng và cả máy giặt. Ảnh nhà tù Tần Thành.
Tần Thành được Liên Xô giúp đỡ xây dựng năm 1958, và được mệnh danh là nhà tù số một Trung Quốc bởi đây là nơi giam giữ nhiều lãnh đạo bị thanh trừng như bà Giang Thanh, vợ góa của Chủ tịch Mao Trạch Đông; ông Lưu Thiếu Kỳ, cựu chủ tịch Trung Quốc, người kế nhiệm ông Mao.
Bà Giang Thanh từng bị giam giữ nhiều năm ở đây trước khi bị đưa ra xét xử vào năm 1981. Trong cuốn tiểu sử về bà Giang Thanh của nhà sử học người Australia Ross Terrill có viết bà được nhận 1,5 nhân dân tệ tiền thức ăn mỗi ngày, gấp 2-3 lần so với người dân Trung Quốc đương thời, bữa ăn có thịt, cá, sữa.
"Tôi ăn ngủ tốt", bà Thanh từng nói khi đang thụ án. Bà Thanh bị tuyên án tử hình ân hạn hai năm, sau đó được giảm xuống tù chung thân. Bà được cho là đã tự sát năm 1991 khi đang điều trị tại bệnh viện.
Tần Thành vốn được xây dựng để giam giữ tù nhân Quốc dân đảng bị bắt trong cuộc chiến với Giải phóng quân của chủ tịch Mao Trạch Đông năm 1949. Nhà tù được sửa chữa dưới sự giám sát của cựu giám đốc Công an kiêm Phó thị trưởng Bắc Kinh Phùng Cơ Bình. Tuy nhiên ông Phùng trở thành một trong những tù nhân đầu tiên bị giam giữ tại nhà tù do chính mình phục dựng, khi Cách mạng Văn hóa Trung Quốc nổ ra, tờ South China Morning cho biết.
Hồng Hạnh