Tại cuộc họp báo ở Phòng Bầu dục cách đây một tuần, tỷ phú Elon Musk xuất hiện bên cạnh Tổng thống Donald Trump để bảo vệ và thúc đẩy nỗ lực tinh giản bộ máy mà Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) đang thực hiện. Musk đảm bảo với phóng viên rằng mọi thứ ông và DOGE đang làm đều "minh bạch tối đa".
"Chúng tôi đang cố gắng rõ ràng nhất có thể. Thực tế, chúng tôi đăng tải các hoạt động của mình trên trang của DOGE trên X và trang web riêng của cơ quan", ông nói.
Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra một vấn đề chưa minh bạch của DOGE là vai trò của chính Elon Musk.
Khi lần đầu thông báo về DOGE hồi tháng 11/2024, ông Trump nói Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy "sẽ cùng lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ". Nhưng Ramaswamy sau đó rút khỏi nhóm DOGE, dường như do một số rạn nứt với Musk liên quan đến chiến lược hoạt động.
Ông Trump ngày 22/12 nói "chúng tôi sẽ thành lập Ban Hiệu suất Chính phủ do Elon Musk đứng đầu". Tổng thống Mỹ lặp lại tuyên bố này ngày 19/1.
Khi ông Trump ký sắc lệnh thành lập DOGE ngày 20/1, văn kiện nêu rõ cơ quan này "sẽ có một lãnh đạo" để báo cáo công việc với Chánh văn phòng Nhà Trắng. Tuy nhiên, chính quyền ông Trump đến nay chưa công bố quyết định bổ nhiệm chính thức với vị trí này.
Dù các quan chức chính quyền Trump không nêu rõ tỷ phú Musk là người đứng đầu DOGE, họ ngầm mô tả ông là người chịu trách nhiệm những công việc của cơ quan. Nhà Trắng ngày 25/1 nói về việc DOGE hủy các hợp đồng chính phủ trong khi có hình ảnh ông Musk ở phía sau.
Trong bài đăng trên X ngày 4/2, Musk đã gọi DOGE là "chúng tôi". "DOGE không xem hay quan tâm tới các dữ liệu tài chính cá nhân. Chúng tôi làm gì với chúng chứ?", ông viết.
Tại cuộc họp báo ngày 11/2, khi Tổng thống Trump yêu cầu Musk nói về những điều mà "nhóm của ông" đã phát hiện, tỷ phú Mỹ đã mô tả những gì DOGE đang làm.
Sự không rõ ràng về vai trò của Musk với DOGE, nhóm đang gây rất nhiều xáo trộn cho bộ máy chính quyền liên bang với chiến dịch cắt giảm ngân sách, tinh giản nhân sự quyết liệt, đã châm ngòi cho một cuộc chiến pháp lý. Bang New Mexico hôm 13/2 đệ đơn kiện tỷ phú Musk lên tòa án liên bang, nói rằng ông không phải nhân viên DOGE.
Trong đơn kiện, Raul Torrez, tổng chưởng lý bang New Mexico, cho rằng vai trò và hành động của Musk là vi hiến, đề nghị tòa ra phán quyết ngăn Musk ra chỉ thị với các cơ quan liên bang, cũng như vô hiệu hóa toàn bộ lệnh hành pháp được ban hành thông qua DOGE. Một nhóm nhân viên liên bang Mỹ cũng đệ đơn kiện với cáo buộc tương tự.
Trong hồ sơ giải trình nộp lên tòa án ngày 17/2, Joshua Fisher, giám đốc Văn phòng Hành chính Nhà Trắng, cho hay Musk không phải là lãnh đạo DOGE như nhiều người vốn tưởng, mà thậm chí cũng không phải là nhân viên cơ quan này. Thay vào đó, Fisher nói Musk là cố vấn cấp cao của Tổng thống.
"Ông ấy không phải là nhân viên DOGE. Ông ấy cũng không phải là lãnh đạo cơ quan này", tài liệu giải trình có đoạn. "Giống như các cố vấn cấp cao khác của Nhà Trắng, ông Elon Musk không có thẩm quyền thực tế hoặc chính thức để tự đưa ra các quyết định cấp chính phủ".
Nhà Trắng trước đây nói rằng ông Musk là "nhân viên chính phủ đặc biệt", điều này giúp tỷ phú Mỹ được quyền miễn tiết lộ một số thông tin như về tài chính cá nhân. Trong tài liệu ngày 17/2, họ không nói rõ ai là người lãnh đạo DOGE.

Tỷ phú Elon Musk (trái) tại Nhà Trắng ngày 11/2. Ảnh: Reuters
Ông Trump cũng đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn về vai trò của Musk. Phát biểu tại dinh thự Mar-a-Lago hôm 18/2, Tổng thống Mỹ khen Musk là "người yêu nước". "Các bạn có thể gọi ông ấy là một nhân viên, một cố vấn, hay bất cứ danh xưng nào", ông nói.
Nhưng quy định của chính phủ Mỹ không cho phép sử dụng những thuật ngữ "hiểu kiểu gì cũng được" như vậy với những người phục vụ trong chính quyền của tổng thống. Đến ngày 19/2, ông Trump lại đưa ra thông tin trái ngược với lời giải thích của Nhà Trắng trước tòa.
"Tôi đã ký sắc lệnh thành lập DOGE và giao cho người tên là Elon Musk phụ trách", Tổng thống Mỹ nói trong hội nghị đầu tư ở Miami.
Nhiều người thân cận của ông Trump cũng coi Musk là người đứng đầu DOGE và nhiều lần khẳng định đó là vai trò của tỷ phú Mỹ. Ít nhất hai lần trong tuần qua, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho hay ông Trump đã giao cho Musk và DOGE những nhiệm vụ cụ thể.
"Ông ấy đã chỉ đạo Musk và DOGE làm điều đó", Leavitt nói với Fox News ngày 12/2 khi được hỏi về việc truy vết những khoản chi tiêu sai mục đích trong chính phủ.
"Tổng thống đã chỉ đạo Elon Musk và nhóm DOGE xác định gian lận ở Cơ quan An sinh Xã hội", Leavitt nói thêm trong cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 17/2.

Người biểu tình phản đối Elon Musk bên ngoài trụ sở của USAID ở Washington hôm 3/2. Ảnh: Reuters
Câu hỏi đặt ra là tại sao Nhà Trắng không chính thức giao cho ông Musk vị trí lãnh đạo DOGE. Aaron Blake, nhà phân tích của Washington Post, cho rằng lý do có thể là vì hai vụ kiện thách thức tính hợp pháp về vai trò và hành động của tỷ phú Mỹ, đồng nghĩa giao DOGE cho ông Musk phụ trách có thể gây ra rắc rối pháp lý cho chính quyền.
Điều khoản bổ nhiệm của Hiến pháp Mỹ nêu rõ các công chức cấp cao trong chính quyền chỉ có thể bắt đầu nhiệm kỳ sau khi được Thượng viện phê chuẩn, áp dụng với cả lãnh đạo DOGE, sau khi đơn vị này được xác định là một cơ quan chính phủ. Ông Musk chưa trải qua bất kỳ quy trình phê chuẩn nào ở Thượng viện.
Tổng thống Mỹ có thể bổ nhiệm những "công chức cấp dưới" mà không cần được Thượng viện phê chuẩn, nhưng những vị trí này phải được quốc hội cho phép. Ông Trump đã thành lập DOGE bằng một sắc lệnh hành pháp mà không thông qua quốc hội, nên Musk không thể được coi là "công chức cấp dưới".
Việc được coi là cố vấn Nhà Trắng đồng nghĩa ông Musk sẽ không phải đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào trong số đó, nhưng nó không khớp với vai trò lãnh đạo nhóm DOGE của ông.
Dylan Hedtler-Gaudette, giám đốc các vấn đề chính phủ tại tổ chức phi đảng phái Dự án Giám sát Chính phủ, cho biết tuyên bố của Fisher không thể vượt qua "bài kiểm tra sự thật".
"Về lý thuyết Musk không phải lãnh đạo DOGE, nhưng rõ ràng tỷ phú Mỹ đang nắm quyền quyết định, điều hành cơ quan và bất kỳ tuyên bố nào khác đều khá nực cười", Hedtler-Gaudette nói.
Thùy Lâm (Theo Washington Post, AFP)