Nhà toán học người Do Thái Abraham Wald phải rời quê hương đến Mỹ khi phát xít Đức tiến công châu Âu. Ông tham gia Nhóm Nghiên cứu Thống kê (SRG) gồm các nhà khoa học sử dụng toán để tăng hiệu quả tác chiến cho quân đội. Wald chính là người thuyết phục hải quân Mỹ khắc phục sai lầm trong gia cố các bộ phận trên máy bay, giúp cứu mạng hàng trăm phi công Mỹ trong Thế chiến II.
Abraham Wald sinh ngày 31/10/1902 trong một gia đình giáo viên Do Thái tại Kolozsvar, vùng Transylvania thuộc Hungary. Năm 1928, Wald tốt nghiệp ngành toán học tại Đại học King Ferdinand I, sau đó lấy bằng tiến sĩ toán học tại Đại học Vienna năm 1931.
Dù rất tài năng, Wald không được nhận vào làm việc ở một trường đại học vì sự phân biệt đối xử của người Áo với người Do Thái. Tình trạng phân biệt đối xử với người Do Thái ngày càng gia tăng khi Đức sáp nhập Áo năm 1938. Cũng trong năm đó, ông di cư đến Mỹ và nghiên cứu ngành kinh tế lượng theo lời mời của Ủy ban Nghiên cứu Kinh tế Cowles.
Sau khi đến Mỹ, Wald làm việc trong nhóm SRG thuộc Đại học Columbia, nơi ông áp dụng các kỹ năng thống kê để giải quyết nhiều vấn đề của chiến tranh.
Thời điểm đó, quân đội Mỹ mất nhiều chiến đấu cơ và phi công do trúng hỏa lực địch. Họ đã xây dựng mô hình những vị trí trúng đạn nhiều nhất trên máy bay để gia cố giáp cho chúng, đồng thời yêu cầu SRG tìm ra sự cân bằng tốt nhất về lớp giáp ở mỗi vị trí thường xuyên trúng đạn. Bổ sung giáp khiến phi cơ nặng hơn, tăng độ an toàn hơn nhưng lại giảm tải trọng vũ khí.
Tuy nhiên, Wald tìm ra lỗ hổng trong dữ liệu mà hầu hết những người khác đều bỏ qua. Quân đội Mỹ thường chỉ có thể nghiên cứu máy bay sống sót trở về được căn cứ sau trận đánh. Nếu máy bay bị bắn hạ gần mục tiêu, nó sẽ rơi xuống lãnh thổ do đối phương kiểm soát. Nếu phi cơ gặp trục trặc trên đường trở về, nó cũng mất tích trên biển.
Do đó, những máy bay mà hải quân Mỹ có thể nghiên cứu là các chiến đấu cơ đã hạ cánh an toàn xuống tàu sân bay hoặc căn cứ. Vị trí trúng đạn của chúng không thể hiện những điểm trọng yếu, mà là ví dụ về nơi máy bay có thể bị bắn trúng và tiếp tục vận hành, bởi phi hành đoàn và các thành phần quan trọng vẫn sống sót sau các loạt đạn.
Wald tìm ra phương thức ước đoán vị trí trúng đạn của các máy bay không thể trở về, sử dụng dữ liệu này để xác định những khu vực hiểm yếu nhất. Ông nhận thấy rằng hải quân Mỹ muốn bọc giáp ở những bộ phận ít gây ảnh hưởng đến hoạt động của máy bay, thay vì các điểm yếu chí tử như động cơ và thùng dầu.
Nghiên cứu của Wald đã thuyết phục được hải quân Mỹ. Họ bọc giáp cho các khu vực được xác định là dễ tổn thương nhất trên máy bay, chủ yếu là động cơ, thay vì ở những vị trí có nhiều lỗ đạn nhất trước đó. Kết quả là các phi cơ hải quân Mỹ đều tăng khả năng sống sót trong chiến đấu, dù vẫn trúng nhiều phát đạn khi làm nhiệm vụ.
Ngày 13/12/1950, Wald và vợ thiệt mạng khi phi cơ Air India chở họ bị rơi trên dãy núi Nilgiri, miền nam Ấn Độ. Những nghiên cứu của ông trong Thế chiến II tiếp tục có ảnh hưởng đến hàng loạt quyết định quân đội Mỹ trong hàng chục năm sau.
Duy Sơn (Theo WATM)