Theo Guardian, thông tin Simic qua đời được biên tập viên điều hành nhà xuất bản Alfred A Knopf - Dan Halpern - xác nhận hôm 9/1 (giờ Mỹ). Tuy nhiên, ông không cung cấp thêm chi tiết về cái chết của nhà thơ.
Là tác giả của hơn 60 cuốn sách, Simic được tôn vinh là một trong những nhà thơ vĩ đại và độc đáo nhất trong thời đại của ông. Simic sinh ra tại Belgrade, Nam Tư và di cư đến Mỹ lúc 16 tuổi.
"Tôi là một sản phẩm của lịch sử. Hitler và Stalin là những 'hãng du lịch lữ hành' của tôi. Nếu họ không xuất hiện, chắc cả đời tôi sẽ sống nguyên ở cái góc phố mà mình được sinh ra. Gia đình tôi, cùng hàng triệu người khác đã phải di tản", nhà văn tâm sự về cuộc đời sống tha hương của mình.
Trước khi bước vào nghiệp viết chuyên nghiệp, Simic từng làm nhiều nghề: Trông cửa hàng, bán sách, bán quần áo. Thuở nhỏ, ông muốn trở thành một họa sĩ và nuôi dưỡng ước mơ ấy cho đến khi nhận ra rằng: "Tôi chẳng chút tài năng hội họa nào cả".
Năm 1964, Simic kết hôn với nhà thiết kế thời trang Helene Dubin, có hai con. Ông trở thành công dân Mỹ vào năm 1971. Hai năm sau, Simic theo học Đại học New Hampshire, nơi ông tham gia giảng dạy trong 34 năm.
Ông không viết bằng tiếng Anh cho đến tận những năm 20 tuổi và bắt đầu làm thơ sau khi học tiếng Anh được vài năm. Quan điểm hài hước nhưng buồn tẻ trong lối viết được hình thành một phần bởi những năm tháng ông lớn lên ở Nam Tư thời chiến, khiến ông cho rằng: "Thế giới đã cũ, nó luôn cũ".
Theo Guardian, những bài thơ của ông thường ngắn và súc tích, với những trạng thái thay đổi "đáng ngạc nhiên" và đôi khi "chói tai" trong tâm trạng và hình ảnh, như thể phản ánh sự tàn nhẫn và ngẫu nhiên mà ông đã tiếp thu được từ thời niên thiếu.
Cuốn sách đầu tiên của ông - What the Grass Says - ra mắt năm 1967. Hai năm sau, ông viết tiếp cuốn Somewhere Among Us a Stone is Taking Notes and Dismantling the Silence. Một bài đánh giá của tờ New York Times từ năm 1978 đã ghi nhận tài năng của ông trong việc truyền tải "sự phức tạp của nhận thức và cảm xúc chỉ trong một vài dòng".
Năm 1990, ông đoạt giải Pulitzer với tập thơ The World Doesn't End. Tập thơ này được Marilyn Hoskin, chủ nhiệm khoa Khoa học nhân văn thuộc Đại học New Hampshire nhận xét: "Khi đọc nó, bạn có cảm giác như đang nói chuyện với tác giả".
Năm 2005, ông nhận giải thơ Griffin và được ban giám khảo ca ngợi là "nhà ảo thuật", bậc thầy về "sự chính xác đến kinh người, không thể nhầm lẫn với sự đơn giản".
Ông từng đảm trách vai trò là chủ tịch Viện Các nhà thơ Mỹ năm 2000. Simic nhận được nhiều giải thưởng của Quỹ Guggenheim, Quỹ MacArthur, Quỹ Quốc gia về nghệ thuật, được bầu vào Viện Hàn lâm Văn học và Nghệ thuật Mỹ. Ông cũng từng nhận giải thưởng thi sĩ công huân Mỹ năm 2007. Tạp chí Harvard nhận xét: "Simic là một nàng thơ mà chúng tôi đáng bận tâm nhất", khẳng định những sự cống hiến của ông cho thi ca Mỹ đương đại. Khi nhận được Giải thưởng thơ ca Mỹ năm 2007, ông cho biết: "Tôi vô cùng bất ngờ".
Theo Guardian, Charles Simic "đã làm kinh ngạc các nhà phê bình và độc giả bằng nghệ thuật trữ tình và kiệm ngôn, người có cái nhìn sâu sắc về bi kịch và khiếu hài hước đột phá".
Simic nói với tạp chí Granta (Anh) vào năm 2013: "Trong tất cả những điều từng nói về thơ ca, chân lý less is more đã làm tôi ấn tượng trong một thời gian dài. Tôi đã viết nhiều bài thơ ngắn trong đời, nhưng từ 'viết' không phải là từ thích hợp để mô tả cách chúng ra đời. Tôi không thể cứ ngồi xuống bàn và viết một bài thơ tám dòng, những tác phẩm được tôi kết hợp từ từ ngữ và hình ảnh trôi nổi trong đầu tôi".
Tối 11/1 (giờ Hà Nội), nhà thơ gốc Việt Ocean Vương bày tỏ nỗi tiếc thương Charles Simic trên trang Instagram cá nhân: "Charlie là một trong những người đã truyền cảm hứng mà tôi mãi mang ơn. Thầy là một người hào phóng, có tư duy nhạy bén và hóm hỉnh, đã cống hiến cả cuộc đời mình để trở thành một nhà thơ. Đôi khi, thầy khiến người khác cảm thấy đó là điều duy nhất đáng làm. Và có lẽ phải là một nhà văn trẻ ngây thơ, ngốc nghếch và lạc quan mới thực sự tin vào điều này, nhưng tôi rất vui vì mình đã tin".
Những tác phẩm đáng chú ý của Simic bao gồm The World Doesn't End (giải Pulitzer năm 1990), Walking the Black Cat (vào chung kết Giải thưởng Sách Quốc gia năm 1996), Unending Blues và các tập thơ gần đây như The Lunatic hay Scribbled in the Dark. Charles Simic thông thạo một số ngôn ngữ và đã dịch tác phẩm của các nhà thơ khác từ tiếng Pháp, tiếng Serbia, tiếng Croatia, tiếng Macedonia và tiếng Slovenia.
Quế Chi