Ông qua đời hôm 13/3 tại Hà Nội vì ung thư đại tràng, để lại nhiều thương tiếc cho gia đình và bạn bè văn giới. Trước khi mất, nhà thơ đã phẫu thuật cắt bỏ khối u, tiến hành xạ trị. Dù sức khỏe suy giảm sau nửa năm điều trị, ông luôn giữ tinh thần tốt. Nhà văn Trần Thị Trường cho biết trong những lần đến thăm, ông không nghĩ bản thân bệnh nặng, vẫn còn dang dở nhiều kế hoạch, gồm một tác phẩm hồi ký văn nghệ chưa hoàn thiện.
Nguyễn Thụy Kha, với số đông khán giả, quen thuộc nhất qua vai trò bình luận âm nhạc trên các show truyền hình. Với đồng nghiệp cầm bút, ông lại ghi dấu ấn bằng hình ảnh lãng tử rong chơi, lúc rộn ràng giữa các cuộc vui, lúc một mình với thi ca và âm nhạc.
Tài năng của Nguyễn Thụy Kha hiển lộ trước hết qua thơ. Từ bài đầu tiên Nắng Bến Giằng in trên báo Quân Đội Nhân Dân ngày 13/5/1974 đến khi qua đời, ông có nửa thế kỷ say đắm với thi ca. Đọc các sáng tác, có thể mường tượng những ngày ông sống và niềm riêng ông gửi lại: "Ta đâu đa mang chỉ thèm khát sống/ Nên lắm đau lắm xót cũng mình ta/ Cũng mình ta chờ đợi tới sương mờ/ Thu như cũ, giá lạnh sao lại mới?".
Thơ ông chia làm ba mảng chính. Viết cho cố hương "nhớ thương Cát Dài, đợi chờ Cát Cụt" (Về lại Hải Phòng). Tặng những bóng hồng được gọi trìu mến là "em", là "cưng''. Và viết về những người lính thời bom đạn và thời hậu chiến.

Tranh vẽ nhà thơ Nguyễn Thụy Kha của tác giả Huỳnh Dũng Nhân
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương - người bạn thân thiết với ông - tập Thời máu xanh (1999) được coi là thành công nhất của Nguyễn Thụy Kha, khắc họa số phận những người lính trẻ bước ra từ khói lửa chiến tranh. Từng lăn lộn trong quân ngũ, trải qua nhiều mặt trận Quảng Trị, Tây Nguyên, vần thơ của ông vì thế gây ám ảnh cho người đọc về bối cảnh chiến đấu ác liệt: ''Những người lính/ Những giọt máu xanh/ chảy lặng lẽ trên thân hình bán đảo''.
Với đất cảng Hải Phòng, ông ôm ấp một tình yêu trẻ dại: ''Giờ đứng giữa ngã năm/ Muốn chạy một hơi về năm ngả''. Song hành cảm xúc dành cho quê hương, đất nước, thơ tình của ông để lại ấn tượng đậm nét về sự gần gũi, chân thành. Ở tập Cưng (2020), ông nêu quan điểm: ''Chỉ tình yêu làm bé lại tinh cầu/ Khiến con người tìm ra mọi cách đi ngắn nhất/ Khiến ngắn lại mọi thời gian xa tít tắp/ Không thời gian và không không gian". Một ngày Sài Gòn hiu hiu nắng, nghĩ đến Nguyễn Thụy Kha, càng thương hơn những câu thơ ông viết năm 1977: "Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Rơi cơn mưa ban trưa/ Chợt thấy mình tách thành hai nửa/ Nửa ướt bây giờ, nửa ướt xa xưa".
Nhà thơ không ngại thử thách mức độ linh hoạt của ngòi bút. Đề tài nào thấy cần thiết, ông cũng có thể viết được một bài thơ dài, gọi là trường ca ngắn. Ví dụ nhắc Điện Biên Phủ, nhà thơ có ngay Lòng chảo, nói về nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, ông viết Biến tấu Souliko. Ngày ông qua đời, đồng nghiệp chọn nghe ca khúc Chiều không em do Phú Quang phổ nhạc từ thơ Nguyễn Thụy Kha để tưởng nhớ một tên tuổi lớn của giới văn nghệ.
Hồ Ngọc Nga hát "Chiều không em", Phú Quang phổ thơ Nguyễn Thụy Kha để tưởng nhớ ông, tối 14/3. Video: Hà Thu
Nhiều bạn văn, nghệ sĩ nhận định Nguyễn Thụy Kha như một ''cuốn từ điển sống''. Phần đông khán giả biết đến Nguyễn Thụy Kha qua chương trình Giai điệu tự hào. Ông chịu khó sưu tầm, tra cứu và ghi nhớ những câu chuyện liên quan cuộc đời, tác phẩm của các nhạc sĩ tân nhạc Việt Nam. Nếu ví von ngoa ngôn một chút, Nguyễn Thụy Kha giống như một pho sử tân nhạc Việt Nam. Những talkshow cần bàn luận về giai thoại này, khó kiếm được nhân vật nào có khả năng thay thế ông.
Nói đến một nhạc sĩ, nhà thơ nào, Nguyễn Thụy Kha đều có thể kể vanh vách mọi dữ liệu. Nhà văn Trần Thị Trường cho biết đôi khi ông nói được năm sáng tác của một ca khúc ngay cả khi tác giả không nhớ. Khi nhà thơ cộng tác với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc nơi bà Trường làm việc, ông giúp đơn vị tìm được những bài hát mà nhiều nhạc sĩ đã quên.
Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ gắn bó nhà thơ trên mọi phương diện, học hỏi nhiều từ ông. Cả hai từng cùng làm chương trình phát thanh Đôi bạn văn chương, đồng hành 13 số phát sóng, trò chuyện về những tên tuổi văn học lớn như nhà thơ Thanh Tùng, Hoàng Cát. Ông luôn nghiêm khắc khi đánh giá các tác phẩm nghệ thuật. Trước khi bắt đầu mỗi số, ông không cần xem kịch bản, tất cả như có sẵn trong đầu. ''Tôi chỉ cần báo với anh về nhân vật, đến ngày thu, tôi muốn hỏi anh điều gì cũng được. Do từng tiếp xúc với họ, anh mang đến những câu chuyện thú vị, độc đáo'', Đỗ Anh Vũ nói.

Tập nghiên cứu tân nhạc in năm 1998 của Nguyễn Thụy Kha. Ảnh: Lê Thiếu Nhơn
Suốt sự nghiệp, Nguyễn Thụy Kha sáng tác gần 2.000 bài thơ, nhiều tập truyện, bài phê bình âm nhạc, tập bút ký chân dung văn học gây tiếng vang. Ở lĩnh vực âm nhạc, ông thực hiện nhiều trường ca, hợp xướng.
Năm 1982, khi nhận giải thưởng thơ của Báo Văn Nghệ với bài Những giọt mưa đồng hành, nhạc sĩ Văn Cao khuyên ông: ''Kha sáng tác thơ cũng hay, nhạc cũng được, nhưng tôi rất muốn Nguyễn Thụy Kha, bằng sự hiểu biết của mình, hãy là người viết lý luận phê bình âm nhạc''. Nhà thơ nghe theo lời dạy của người mà ông coi là bậc thầy. Năm 1991, ông xuất bản cuốn Văn Cao - Người đi dọc biển.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Nguyễn Thụy Kha là một nhà nghiên cứu chứ chưa phải nhà phê bình tân nhạc. Những gì ông viết đều chỉ nằm ở dạng bài báo nhỏ lẻ, gom lại thành sách như Nửa thế kỷ tân nhạc Việt Nam, Thuở bình minh tân nhạc, Thế kỷ âm nhạc Việt Nam.
Sau này, Nguyễn Thụy Kha có nhiều tác phẩm về chân dung các nghệ sĩ như Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát hay tái hiện bức tranh toàn cảnh về tân nhạc Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, những công trình ấy trở thành nguồn tư liệu quý cho thế hệ sau.
Lễ viếng nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha diễn ra lúc 11h30 ngày 17/3 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang được tổ chức vào 13h cùng ngày. Ông được an táng lúc 9h ngày 18/3 ở nghĩa trang Phi Liệt, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Nguyễn Thụy Kha sinh năm 1949 tại Hải Phòng, sống ở Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Thông tin và Trường Viết văn Nguyễn Du. Ông từng phục vụ trong quân đội từ năm 1972 đến 1990 với vai trò kỹ sư thông tin, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1990. Ông được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2023.
Lê Phương