Tản Đà (1889-1939) là nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Quê ông ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội).
Tản Đà hấp thụ nền Nho giáo từ nhỏ. Lên 5 tuổi, ông học Tam tự kinh, Ấu học ngũ ngôn thi, Dương tiết. Lên 6 tuổi, ông học Luận ngữ, kinh, truyện và chữ Quốc ngữ; 10 tuổi biết làm câu đối, thơ văn. Năm 15 tuổi, ông đã nổi tiếng là thần đồng của tỉnh Sơn Tây.

Nhà thơ Tản Đà. Ảnh tư liệu.
Từ năm 1915 đến 1926, Tản Đà liên tục có những tác phẩm thơ gây được tiếng vang. Bài thơ Muốn làm thằng Cuội được in trong tập Khối tình con (quyển thứ nhất, 1917), được sáng tác theo thể loại thất ngôn bát cú đường luật. Bài thơ là lời nhà thơ nói với chị Hằng trong một đêm thu, xin lên cung trăng để tránh xa cái trần thế.
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu có bạn can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
Mặc dù tác phẩm được làm theo thể thất ngôn bát cú, song người đọc sẽ thấy dưới cái hình thức còn là thơ cổ ấy những dấu hiệu mới mẻ của cảm xúc. Tâm sự của nhà thơ ở một thời đại mới đã khiến cho hình thức thơ cũ có chiều hướng giảm nhẹ đi tính trang trọng, mực thước. Sự giản dị, trong sáng gần với khẩu ngữ tự nhiên làm nên nét duyên của bài thơ.
Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong sách Nhà văn hiện đại (quyển II) cho rằng, Tản Đà là thi sĩ đặc Việt Nam, cho nên cái đặc tính thi ca của ông tức là đặc tính văn chương ta đó: Tư tưởng hoài nghi diễn ra ở cái buồn man mác.
Phần nhiều thơ của Tản Đà đều buồn. Thơ tình của ông là thơ của người khao khát tình yêu và thất vọng về tình yêu. Thơ rượu, thơ chơi của ông là thơ của người chán đời, người phải tìm những thú vui để khuây khỏa.
Câu 2: Những câu thơ sau nằm trong bài thơ nào của Tản Đà?
Non cao những ngóng cùng trông
Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.