Tối 15/4, một ngọn lửa khổng lồ nhấn chìm Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris), phá hủy hầu hết cấu trúc gỗ khoảng 856 năm tuổi, tháp nhọn và một phần mái vòm đổ sập xuống. Chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng, nhiều người dân Paris và khách du lịch bật khóc, cầu nguyện cho "trái tim Paris" được an toàn. Notre-Dame từ lâu trở thành một trong những biểu tượng cho tinh thần văn hóa Pháp. Những người chưa từng chiêm ngưỡng nhà thờ cũng yêu mến công trình qua các tác phẩm văn học nghệ thuật bất hủ.
Marcel Proust, nhà văn nổi tiếng đầu thế kỷ 20 với tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất, từng ấn tượng sâu sắc với vẻ hùng vĩ của Nhà thờ Đức Bà Paris. Trong cuốn sách viết về đại văn hào năm 2014, nữ nhà văn Mary Bergman tiết lộ một đêm, ông từng đứng lặng yên suốt hai giờ đồng hồ trước cổng vòm St. Anne ở mặt tiền nhà thờ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ và đón nhận cảm hứng bất tận từ công trình này.
Không chỉ mê hoặc những người con của nước Pháp, nhà thờ Đức Bà thu hút nhiều bậc kỳ tài khắp thế giới. Sigmund Freud - nhà văn, nhà tâm thần học có ảnh hưởng lớn của Đức - bị công trình quyến rũ ngay từ lần đầu đến Paris năm 1885. Mỗi buổi chiều, ông trở lại ngắm nhìn nhà thờ. "Tôi chưa bao giờ thấy điều gì quá trang nghiêm và ảm đạm như vậy", Sigmund Freud nói.
Trong số những kiệt tác lấy cảm hứng từ Notre-Dame, Thằng gù Nhà thờ Đức Bà (tên tiếng Pháp: Notre-Dame de Paris, tiếng Anh: The Hunchback of Notre-Dame) của Victor Hugo là tác phẩm đồ sộ, nổi tiếng nhất. Victor Hugo bắt đầu viết tiểu thuyết từ năm 1829 với mong muốn những người đương thời hiểu hơn giá trị của công trình kiến trúc Gothic, đồng thời ngầm lên án việc làm mới các chi tiết của nhà thờ, chẳng hạn thay các tấm kính màu bằng kính trắng để đón nhận nhiều ánh sáng chiếu vào. Trước khi tiểu thuyết ra đời, ông từng viết một bài báo, gọi những người chủ trương làm mới nhà thờ là "phá hoại". Victor Hugo từng chia sẻ: "Thật khó để không cảm thấy buồn và phẫn nộ trước sự tàn phá của thời gian và con người với nhà thờ đáng kính". Năm 1831, Victor Hugo hoàn thành tác phẩm.
Nhà thờ Đức Bà Paris lấy bối cảnh nước Pháp năm 1482, dưới triều đại của Louis XI. Ông nhiều lần đến nhà thờ để ngắm kiến trúc cổ kính nơi đây. Đại văn hào muốn công trình tráng lệ được miêu tả như một chứng nhân lịch sử, vượt qua thời gian và những biến cố. Vì thế, ông xây dựng số phận các nhân vật gắn bó chặt chẽ với nhà thờ. Xuyên suốt tác phẩm là cảm hứng bi tráng.
Trong đó, thằng gù thọt chân Quasimodo - người rung chuông ở nhà thờ - là nhân vật trung tâm. Là kẻ quái thai được giám mục Claude Frollo nuôi dưỡng từ nhỏ, Quasimodo sống an phận trong nhà thờ, tránh để lộ ngoại hình dị dạng. Mọi chuyện thay đổi khi vị giám mục phải lòng nàng Esmeralda xinh đẹp. Ông ta sai Quasimodo bắt cóc cô. Do ít được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thằng gù nhanh chóng phải lòng vũ nữ tốt bụng. Tuy nhiên, Esméralda dành trọn trái tim cho đại úy Phoebus, người đã cứu cô. Họ bị cuốn vào vòng xoáy ghen tuông, thù hận khi giám mục Claude Frollo đánh mất cả lý trí và nhân tính. Trong tiểu thuyết, nhà thờ là nơi Quasimodo bị bỏ lại từ khi còn là một đứa trẻ, chốn anh ta nương náu khi trưởng thành, địa điểm bí mật che giấu nàng Esmeralda tội nghiệp và cũng là hầm mộ kết thúc cuộc đời của hai người.
Trùng hợp, Victor Hugo từng viết về đám cháy trong tiểu thuyết: "Mọi ánh mắt đều hướng lên đỉnh nhà thờ, chứng kiến cảnh tượng kinh ngạc. Trên đỉnh của phòng trưng bày cao nhất, cao hơn cửa sổ hoa hồng trung tâm, có một ngọn lửa lớn dữ dội bốc lên giữa hai gác chuông. Bên dưới ngọn lửa, dưới những lan can ảm đạm, hai ống máng bằng đá như mồm hai con quái vật đang phun không ngớt cơn mưa lửa... Hàng loạt bức tượng quỷ dữ và rồng đau đớn trong biển lửa. Ánh sáng từ ngọn lửa dữ dội phản chiếu lên mắt chúng... Một sự câm lặng kinh hoàng giữa đám ăn mày. Tất cả âm thanh còn lại là tiếng kêu báo động của những linh mục bị nhốt trong tu viện...".
Nhà thờ Đức Bà Paris là nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm phái sinh nổi tiếng, từ phim ảnh, kịch nói, âm nhạc cho đến ballet.
Tác phẩm được chuyển thể thành phim câm lần đầu năm 1905 với tên Esmeralda. Hai phim câm tiếp theo ra đời lần lượt năm 1911 và 1917 với tên The Hunchback of Notre Dame và The Darling of Paris. Tác phẩm lần đầu được chuyển thể thành phim với yếu tố kinh dị năm 1923, qua tác phẩm The Hunchback of Notre Dame do Wallace Worsley đạo diễn. Phim sau đó được các nhà sản xuất dựng lại năm 1939, 1956 và 1986. Năm 1996, Disney lần đầu chuyển thể tiểu thuyết thành phim hoạt hình, do Kirk Wise và Gary Trousdale đạo diễn. Nhà thờ Đức Bà Paris cũng được xây dựng thành nhiều loạt phim truyền hình cùng tên, chiếu vào các năm 1966, 1977, 1982, 1986.
Trên sân khấu, tác phẩm được Ken Hill dàn dựng, diễn tại Nhà hát Quốc gia Hoàng gia London, Anh năm 1977. Năm 2010, vở kịch được Pip Utton dựng lại, mang ra trình diễn ở lễ hội nghệ thuật Fringe, Edinburgh, Anh. Nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris, công diễn lần đầu năm 1988 ở Pháp, được Sách kỷ lục Guinness công nhận là nhạc kịch bán vé chạy nhất trong năm đầu ra mắt. Đến năm 2013, vở nhạc kịch được chuyển thể sang tiếng Anh, Hà Lan, Nga, Ba Lan, Việt Nam, biểu diễn hơn 5.000 lần ở hai mươi quốc gia. Các nghệ sĩ ballet Pháp, Thuỵ Điển cũng dàn dựng tác phẩm dưới hình thức múa.
Khi Notre-Dame - "trái tim" của thủ đô Paris đổ sụp trong đám cháy, những người yêu cái đẹp trên toàn thế giới đều rơi nước mắt. Công chúng lo sợ kỹ thuật xây dựng hiện đại cũng không thể khôi phục hồn cốt của biểu tượng một thời. Thế nhưng trong văn học, nghệ thuật, Notre-Dame mãi còn đó như một biểu tượng hùng vĩ, chứng nhân lịch sử qua bao biến động, thăng trầm.
Hà Thu (theo New York Times, QZ)