Nhà thờ Đức Bà được người Pháp xây dựng và hoàn thành năm 1880 với sức chứa 1.200 người, trở thành một trong những biểu tượng kiến trúc của TP HCM. Tuy nhiên, rất ít người biết dưới nền nhà thờ còn có những ngôi mộ cổ. Mà theo truyền thống đạo Công giáo phương Tây là những hầm mộ của các tu sĩ phụ trách và những người có công với nhà thờ.
Do địa thế và thời tiết Việt Nam không thích hợp làm những hầm mộ nên các tu sĩ khi qua đời phải chôn cất, bia được khắc ngay trên bề mặt nền nhà.
Hầu hết các nhà thờ cổ ở Việt Nam đều có hài cốt của những tu sĩ "tiên khởi" phụ trách, hoặc những người có công với giáo xứ đó. Riêng hàng Giám mục thì được chôn cất ở những nhà thờ lớn trong giáo phận họ từng phụ trách.
Dưới nền nhà thờ Đức Bà, phía vòm cuối (sau bàn thờ linh mục làm lễ) có ba ngôi mộ của ba vị Giám mục với các tấm bia lớn bằng phẳng. Trong đó có mộ Giám mục Isidore Colombert (1838-1894) - người đặt viên đá đầu tiên xây ngôi thánh đường. Hai ngôi mộ còn lại là của Giám mục Jean Marie Dépierre (1855-1898) và Giám mục Marie Joseph Dumortier (1869-1940), những người từng phụ trách giáo phận Sài Gòn.
Ngoài ra, tại phòng thứ sáu, bên dưới tượng đài thánh Giuse có mộ cha Eugenius SOULLARD - linh mục từng phụ trách nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.
Ngoài những ngôi mộ cổ, nhà thờ Đức Bà còn có những "cổ vật" đặc biệt khác. Bên trong 2 tháp chuông cao gần 58 m có 6 quả chuông lớn với tổng trọng lượng gần 30 tấn. Gồm chuông Son nặng 8.785 kg, La nặng 5.931 kg, Si nặng 4.184 kg kg, Đô nặng 4.315 kg, Rê nặng 2.194 kg và chuông Mi nặng 1.646 kg.
Tất cả chuông đều được đúc ở Pháp, chuyển đến Sài Gòn năm 1879 và có âm sắc riêng không thể lẫn vào đâu. Trên mặt mỗi quả chuông có các họa tiết khá tinh xảo. Riêng chuông Sol được cho là một trong những quả chuông lớn nhất thế giới với đường kính miệng chuông 2,25 m và cao 3,5 m (tính đến núm treo).
Những chiếc chuông được điều khiển bằng điện từ bên dưới. Nhưng ba quả chuông lớn trước khi đánh đều phải khởi động bằng cách đạp (vì quá nặng) cho lắc trước khi bật rờle điện. Khi đổ cùng lúc 6 chuông (vào đêm giao thừa), tiếng chuông vang xa trong phạm vi khoảng 10 km.
Phía trên cao cửa chính đối diện bàn thờ của ngôi thánh đường là gác đàn, đặt chiếc đàn organ ống - được cho là một trong hai cây cổ nhất Việt Nam. Cây đàn được các chuyên gia nước ngoài làm bằng tay, thiết kế riêng để âm thanh đủ cho cả nhà thờ nghe. Phần thân đàn cao khoảng 3 m, ngang chừng 4 m, dài 2 m chứa những ống hơi bằng nhôm rộng khoảng 10 cm.
Phần điều khiển đàn nằm riêng nối với thân đàn bằng những trục. Những phím đàn như đàn organ hiện nay dùng tay gõ và những phím to đặt dưới sàn nhà (dài chừng 3m, ngang khoảng một mét) để người điều khiển đàn đạp lên khi dùng nốt trầm.
Đàn được thiết kế tương tự piano nhưng phức tạp hơn. Nó có những thanh gõ lớn để đập vào phần dưới các ống hơi phát ra âm thanh, tương tự kiểu đánh đàn K'lông Pút của Tây Nguyên. Tuy nhiên, cây đàn hiện đã hỏng hoàn toàn (bị mối ăn phần gỗ bàn phím điều khiển bằng tay).
Cũng nằm ở giữa 2 tháp chuông, trước vòm mái có đặt bộ máy của chiếc đồng hồ khổng lồ được chế tạo tại Thụy Sĩ năm 1887, hiệu R.A, cao khoảng 2,5 m, dài khoảng 3 m và ngang độ hơn một mét, nặng hơn tấn. Dù thô sơ, cũ kỹ nhưng hoạt động khá chính xác.
Để điều chỉnh đồng hồ, phía sau máy có chiếc đồng hồ to cỡ đồng hồ báo thức. Chỉ cần theo dõi chiếc đồng hồ con này có thể biết đồng hồ lớn chạy đúng hay sai. Mỗi tuần phải lên giây đồng hồ một lần và chiếc cần để lên giây giống như tay quay máy xe. Đồng hồ còn có hệ thống báo giờ bằng búa đánh vào các chuông nhà thờ, song nó không còn hoạt động do dây cót quá cũ.
Theo Tổng giáo phận Sài Gòn, sau 135 được xây dựng, nhìn bề ngoài công trình vẫn rất chắc chắn và vững chãi. Tuy nhiên, nhiều hạng mục của nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng cần được sửa chữa. Vì vậy, Giáo phận đang chuẩn bị các công tác trùng tu toàn bộ nhà thờ. Sau khi khảo sát, đơn vị quản lý dự án đề nghị trùng tu đồng bộ công trình gồm: tháp chuông, mái ngói, tường, điện nước, âm thanh ánh sáng, hệ thống phòng cháy chữa cháy và thông gió. Đối với tường nhà thờ, các chuyên gia đề nghị trám trét lại những phần gạch bị bong tróc bằng cách dùng gạch cũ xay ra làm vật liệu trám trét, những phần viết vẽ cũng được làm sạch. Riêng nóc nhà thờ, bộ phận bị hư hỏng nặng nhất phải trùng tu tháp, đặc biệt là phần mái và khung. Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn Bùi Văn Đọc trong thư kêu gọi đóng góp trùng tu Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn cho biết, kinh phí và thời gian thực hiện được các đơn vị thẩm định là rất lớn, có thể kéo dài trong nhiều năm. Vì vậy, để có kinh phí trùng tu, Giám mục đã kêu gọi tu sĩ, giáo dân trong giáo phận quyên góp từ ngày đầu tháng 9 đến cuối tháng 12 năm nay. "Tôi tha thiết mời gọi mỗi thành viên trong đại gia đình Tổng giáo phận cùng chung sức chung lòng để có thể lau mới một phiến đá, thay thế một viên ngói, làm mới một ô kính màu hay gia cố một mảng tường...", ông kêu gọi. |
Trung Sơn