Theo Guardian, ngày 20/11, Stuart nhận thưởng 50.000 bảng, trở thành nhà văn gốc Scotland thứ hai đoạt giải Booker kể từ James Kelman năm 1994. Tiểu thuyết Shuggie Bain lấy cảm hứng từ chính cuộc đời tác giả, kể về hành trình lớn lên của cậu bé Shuggie dưới sự nuôi dưỡng của bà mẹ nghiện rượu ở Glasgow, Scotland. Stuart viết tiểu thuyết để tưởng nhớ mẹ, người qua đời vì rượu năm ông 16 tuổi.
Douglas Stuart, 44 tuổi, cho biết bất ngờ khi nghe tin thắng giải. Ông nói trên Guardian: "Tôi muốn cảm ơn mẹ, người xuất hiện trên từng trang sách. Nếu không có bà, tôi không có ngày hôm nay và cho ra đời cuốn sách này. Tôi cũng muốn cảm ơn người dân Scotland vì tạo cảm hứng cho nội dung tiểu thuyết".
Ông sẽ dùng số tiền thưởng để làm từ thiện cho quê hương Glasgow. Với danh hiệu này, Stuart cũng quyết định trở thành nhà văn toàn thời gian. Ông từng làm thiết kế thời trang từ năm 24 tuổi, hợp tác với nhiều thương hiệu như Calvin Klein, Ralph Lauren, Banana Republic... Stuart cho biết đang viết tiểu thuyết thứ hai với nhan đề Loch Awe, cũng lấy bối cảnh Glasgow.
Giải Booker, từng được biết đến với tên Booker–McConnell hoặc The Man Booker, là giải thưởng văn chương danh giá nhất trong cộng đồng các nước nói tiếng Anh, thành lập năm 1968. Từ năm 2014, ban tổ chức cho phép các tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh và được xuất bản ở Anh của các nhà văn nước ngoài tranh giải. Trước đó, chỉ nhà văn ở khối Thịnh vượng chung Anh và Cộng hòa Ireland được tham gia.
Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng thành lập giải International Booker vinh danh các tác phẩm quốc tế được dịch sang tiếng Anh và phát hành tại Mỹ, Anh hoặc Ireland. Hồi tháng 8, nhà văn Hà Lan Marieke Lucas Rijneveld trở thành người trẻ nhất thắng giải này ở tuổi 28 với tiểu thuyết đầu tay The Discomfort of Evening, khai thác góc đen tối của gia đình sùng đạo.
Đạt Phan (theo Guardian)