Tuy nhiên, quá trình đầu tư cho dự án đã xảy ra thất thoát, lãng phí lên tới gần 36,7 tỷ đồng, theo kết luận ngày 16/1 của Thanh tra Chính phủ.
Ở một số dự án khác, thông thường các nhà thầu hay kể khổ vì chủ đầu tư quá "rắn", chậm thanh toán... Nhưng tại dự án mở rộng Cảng Cái Lân, phần lớn các nhà thầu đều được phía chủ đầu tư - Cục Hàng hải Việt Nam, đại diện chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án (BQLDA) hàng hải 2 đã thanh toán rất xông xênh. Thậm chí chủ đầu tư còn thanh toán cho cả những việc... chưa hề làm, hoặc làm không đúng, làm sai thiết kế, hồ sơ mời thầu.
Thanh tra Chính phủ xác định: trách nhiệm về những sai phạm trên trước hết là lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải, chịu trách nhiệm trực tiếp là Tổ chuyên gia xét thầu, BQLDA hàng hải 2, Cục Giám định... Trong các cá nhân phải chịu trách nhiệm về sai phạm có ông Nguyễn Việt Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, do ký các văn bản cho phép nổ mìn thử nghiệm, bồi thường thiệt hại không đúng về sự cố thùng chìm. Ngoài ra, các ông Nguyễn Đức Chuôm, nguyên Giám đốc BQLDA hàng hải 2, Nguyễn Văn Thiệm, Giám đốc BQLDA hàng hải từ giai đoạn 2004 đến nay cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các sai phạm tại dự án này. |
Tại gói thầu số 1 (xây dựng 4 bến cảng và phá đá nổ mìn dưới nước), tư vấn Nhật Bản là Nippon Koei phải chịu trách nhiệm về một vụ khá nghiêm trọng khi để xảy ra thiếu khối lượng cốt thép ở đáy và thành thùng chìm. Việc gia cố để khắc phục vấn đề này làm tốn kém trên 12,5 tỷ đồng. Nhưng chủ đầu tư chỉ yêu cầu tư vấn Nippon Koei bồi thường 40% giá trị thiệt hại, trong khi nếu chiếu theo đúng hợp đồng dịch vụ tư vấn giữa các bên thì nhà thầu này phải bồi thường 100% chi phí khắc phục.
Tại nhiều hạng mục khác của công trình, các nhà thầu đều được BQLDA hàng hải 2 phóng tay thanh toán vượt khối lượng và đơn giá. Ở hạng mục nhà điều hành container, nhà thầu tự áp đơn giá bê tông thành đơn giá thép để tính, làm tăng giá trị gói thầu 1,115 tỷ đồng. Ở các hạng mục thi công đóng cọc, qua kiểm tra sổ nhật ký ghi chép, thấy thiếu tới 156 cọc trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Ở gói thầu số 2 (nạo vét luồng trong và xây dựng nhà xưởng), theo hồ sơ mời thầu, nhà thầu TOA Corporation phải cung cấp các thiết bị chuyên dụng như gầu ngoạm, tàu hút bụng... trị giá hơn 3 tỷ đồng. Chi phí này đã được chủ đầu tư thanh toán nhưng trên thực tế nhà thầu TOA không hề cung cấp thiết bị nào mà nhà thầu phụ phải tự huy động và chỉ được thanh toán 1,57 tỷ đồng, TOA chiếm hưởng hơn 1,55 tỷ đồng. Không những vậy, BQLDA hàng hải 2 còn để xảy ra nhiều thất thoát, lãng phí như chi trả toàn bộ thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, trái với luật thuế của Việt Nam. Thậm chí, đơn vị này còn yêu cầu nhà thầu dùng bom mìn trong khi nếu nạo vét đất đá bằng máy sẽ tiết kiệm được ít nhất 11,9 tỷ đồng.
Theo phản ánh của Cảng vụ Quảng Ninh (Tổng công ty hàng hải Việt Nam), bề mặt sân bãi cảng thường xuyên bị lún sụt, phải sửa chữa, khắc phục nhiều lần. Hiện nay, luồng ngoài vào cảng mới chỉ đáp ứng tàu 15.000 tấn, trong khi bến tàu có khả năng đáp ứng cho tàu 40.000 tấn. Quốc lộ 18 dẫn đến cảng bề mặt hẹp, đi qua nhiều khu dân cư, ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa. Nhiều dịch vụ ở Cái Lân chưa tạo được lợi thế so với cảng Hải Phòng nên ít thu hút khách hàng.
(Theo Thanh Niên)