Báo cáo tài chính quý IV niên độ 2024 (tương đương quý II/2024 trong thực tế) cho thấy, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) có hơn 6.595 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 82% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức cao nhất kể từ quý I/2020. Công ty có gần 59 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 95%.
Lũy kế niên độ 2024 (tức từ tháng 7/2023 - 6/2024, doanh thu đạt 21.045 tỷ đồng, tăng 31% so với năm tài chính 2023. Trừ đi giá vốn, họ lãi gộp hơn 712 tỷ, tăng gần gấp đôi nhờ biên lợi nhuận gộp của các dự án được cải thiện.
Là một doanh nghiệp giàu tiền mặt, Coteccons mang hơn 3.800 tỷ gửi ngân hàng và thu lãi hơn 140 tỷ đồng. Mức này giảm 7% khi mặt bằng lãi suất huy động xuống thấp. Ở chiều ngược lại, công ty tiết giảm được 38% chi phí tài chính.
Trong các chi phí cố định, nhóm quản lý doanh nghiệp tăng 21% lên gần 580 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do trích lập dự phòng tăng 51 tỷ để đảm bảo bảng cân đối tài chính khỏe mạnh. Đồng thời, để phục vụ chiến lược đa dạng hóa và phát triển đội ngũ cho tương lai, Coteccons đã tăng 26% chi phí dành cho đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
Tổng lại, doanh nghiệp này có hơn 299 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 4,4 lần năm tài chính 2023. Sau ba năm liên tiếp lãi về hàng chục tỷ, Coteccons đã lấy lại mốc lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, nhưng vẫn chưa thể hồi phục về ngang bằng giai đoạn 2014-2020. Công ty vượt khoảng 4% so với kế hoạch kinh doanh đề ra.
Kỳ này, Coteccons có giá trị trúng thầu đạt 22.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đang thầu nhiều dự án lớn như nhà máy Pandora, nhà máy Suntory PepsiCo, Westlake Residential, khu đô thị Legend City, nhà xưởng Logos Yên Phong BN 2, khu dân cư Eaton Park...
Trong số các dự án mới, 41 dự án đến từ kết quả của chiến lược "repeat sales", tức những dự án thắng thầu hoặc được chỉ định bởi các chủ đầu tư cũ. Ban lãnh đạo cho biết nhờ tập trung vào chất lượng xây dựng, chăm sóc tốt khách hàng hiện tại, họ tự tin đây là điểm mạnh của Coteccons so với các công ty xây dựng khác trên thị trường.
Tính đến cuối niên độ tài chính 2024, CTD có tổng tài sản khoảng 22.829 tỷ đồng, tăng 6,8%. Một chỉ tiêu đáng chú ý của họ và toàn ngành xây dựng nói chung là nợ xấu. Coteccons đang ghi nhận gần 2.243 tỷ đồng nợ xấu, tăng 42,5% so với cùng kỳ. Phần lớn trong số này đến từ Công ty Ngôi Sao Việt (thuộc Tân Hoàng Minh), Công ty Saigon Glory (chủ đầu tư siêu dự án đối diện chợ Bến Thành) và Công ty Minh Việt (chủ đầu tư Tricon Towers). Hiện CTD trích lập dự phòng hơn 60% các khoản nợ xấu kể trên.
Chia sẻ với VnExpress trước đó, đại diện Coteccons cho biết vòng đời một dự án xây dựng trung bình khoảng 3 năm. Do đó, nợ xấu của họ tăng do cụm dự án ký từ giai đoạn trước năm 2022 - giai đoạn công ty vừa phục hồi và thị trường địa ốc bắt đầu khủng hoảng. Doanh nghiệp này khẳng định luôn có cách để kiểm soát nợ hiệu quả, không để ảnh hưởng đến tài chính và khả năng vận hành, kinh doanh.
Tất Đạt