Giữa tháng 11, hàng trăm công nhân hối hả làm việc trên công trường gói thầu 12 qua huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Hầm Thung Thi đã hoàn thành các hạng mục chính, một số người đang sơn hầm, lắp đặt điện chiếu sáng. Đường vào hầm dài 6 km mới đạt hơn 70% khối lượng, hàng trăm công nhân và máy móc tất bật lu lèn, rải các lớp cấp phối đá dăm. Đoạn này có khoảng 700 m đường đang phải xử lý nền yếu.
Kỹ sư Hoàng Đình Thịnh, Phó giám đốc Ban điều hành hầm Thung Thi, cho biết hạng mục hầm đã đạt 90% khối lượng, chỉ còn sơn, thi công cơ điện, chiếu sáng, phòng cháy, lắp biển báo. Quãng đường 6 km do hai nhà thầu là Đèo Cả và Hoàng Long thực hiện đều đang bị chậm. Phía Đèo Cả đang huy động khoảng 300 lao động, tăng 30% nhân lực so với các tháng trước cùng nhiều máy móc, trạm trộn để tăng tốc, phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch 31/12.
"Tám tháng nay tôi chưa về thăm gia đình ở Nghệ An. Đa số anh em cũng vậy, bám trụ công trường, nỗ lực hết mình để gói thầu đạt kế hoạch", anh Thịnh nói.
Khó khăn lớn nhất của gói thầu này là thiếu nguyên vật liệu do nguồn cung ở huyện Hà Trung hạn chế. Nếu mua từ Ninh Bình cách đó 50-60 km thì chi phí vận chuyển sẽ tăng. Đá trong hầm lại cứng, nghiền lâu, khó sử dụng làm nền đường. Đơn vị ước tính còn thiếu hơn 10.000 m3 đá dăm để trải đường, có thể phải mua ngoài thị trường với giá cao, kỹ sư Thịnh cho biết.

Thi công đường dẫn vào hầm Thung Thi trên cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45. Ảnh: Anh Duy
Kỹ sư đường Mai Thế Tùng, quê Nam Định, cũng đã ba tháng chưa về thăm nhà. Anh và hàng trăm lao động thuộc nhà thầu Đèo Cả hàng ngày làm việc ba ca để đẩy nhanh tiến độ. Gần một năm nay, anh Tùng thường bắt đầu công việc từ 6h sáng và kéo dài đến 18h hàng ngày, thợ lái máy thì làm việc xuyên đêm. Phần lớn kỹ sư, công nhân trên công trường đều xa nhà, chỉ tranh thủ về thăm người thân khi trời mưa không thể thi công.
"Nền quảng trường phía bắc hầm Thung Thi có địa chất phức tạp, khi đào gặp đá to nên chúng tôi phải xử lý mất nhiều thời gian", anh kể.
Trên công trường gói thầu số 10 qua huyện Yên Mô (Ninh Bình), đoạn đường khoảng 13 km do nhà thầu Xuân Trường thực hiện, đạt 68% khối lượng. Nhà thầu đã lắp hộ lan, rải bê tông nhựa được khoảng 30% chiều dài. Để kịp thông xe cuối năm, doanh nghiệp đang huy động hơn 200 lao động làm việc ba ca và gần 100 máy lu, hai dây chuyền rải bê tông nhựa, ba dây chuyền rải cấp phối đá dăm.
Theo ông Phạm Nhật Việt, Tư vấn giám sát gói thầu 10, số lao động và thiết bị được nhà thầu tăng gấp đôi so với hai tháng trước. Hiện nay, đơn vị rải được trên 1.000 tấn bê tông nhựa mỗi ngày, tăng khoảng 30%. Cũng trong gói thầu này, hầm Tam Điệp đã gần hoàn thành, đơn vị thi công đang sơn kẻ đường, lắp đặt hạng mục phòng cháy và đường điện.
"Hầm Tam Điệp được thi công khá nhanh, có thời điểm vượt tiến độ 6 tháng. Hầm có địa chất đá vôi, có hang ngầm song nhà thầu và ban quản lý dự án xử lý nhanh, không ảnh hưởng đến tiến độ", ông Việt cho hay.
Tại dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 (Ninh Bình - Thanh Hóa), khó khăn nhất là một số đoạn đường tại các gói thầu 13, 14 qua 6 huyện của tỉnh Thanh Hóa gồm Hà Trung, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Yên Định, Triệu Sơn, Nông Cống, do nhiều đoạn nền đất yếu. Các nhà thầu phải xử lý, chờ lún mất nhiều thời gian.
Nhà thầu Trường Sơn cho hay nhận thi công hơn 9 km đường thì có 4 km nền đất yếu, đến nay mới đang dỡ tải để làm cống hộp, hầm chui. Nếu thời tiết tốt thì đơn vị sẽ tăng tốc thi công, cố gắng đáp ứng được thời gian theo yêu cầu.

Rải bê tông nhựa trên đoạn đường thuộc gói thầu 10 do nhà thầu Xuân Trường đảm nhiệm. Ảnh: Anh Duy
Theo ông Lương Văn Long, Giám đốc Ban điều hành dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, đến ngày 15/11, sản lượng thi công dự án đạt 74% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,5% so với kế hoạch. Tuy nhiên, toàn bộ 5 gói thầu thuộc dự án đều đang được tăng tốc. Nếu thời tiết ủng hộ, các nhà thầu đảm bảo được năng lực tài chính, tăng cường nhân công, thi công liên tục trong ngày thì mục tiêu thông xe vào cuối năm nay sẽ đạt được.
Ông Long khẳng định, dự án bị chậm tiến độ thời gian qua là do thời tiết không thuận lợi, từ đầu năm đến nay có khoảng 127 ngày mưa; dịch Covid-19 cũng khiến công nhân phải dừng thi công 90 ngày. Ngoài ra, địa chất phức tạp, nền đất yếu nên các đơn vị phải tốn thêm thời gian xử lý. Hiện nay, khoảng 10 km vẫn chưa được dỡ tải để thi công các lớp kết cấu áo đường.
Ngày 17/11, khi thị sát tuyến cao tốc, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã đôn đốc các nhà thầu huy động thiết bị, nhân lực, tài chính hoàn thành dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 theo đúng hợp đồng. Ông cũng yêu cầu thay thế nhà thầu yếu, thi công chậm tại gói thầu số 12. Nếu nhà thầu vi phạm cam kết đã ký, Bộ sẽ xử lý bằng cách chấm dứt hợp đồng và không cho tham gia dự án khác.
Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 với chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, thành phố. Theo kế hoạch, bốn dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành cuối năm 2022, các dự án còn lại sẽ về đích trong năm 2023, 2024.