Vinaconex đang thực hiện một số dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam. Ông Nguyễn Hữu Tới, Phó tổng giám đốc Vinaconex, cho biết thời điểm ký hợp đồng gói thầu số 4 dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, giá thép chỉ hơn 11.000 đồng/kg, đến nay là hơn 20.000 đồng/kg. Đất đắp trước đây chỉ 81.000 đồng/m3 thì nay 157.000 đồng/m3. Gói thầu số 4 có giá trị hợp đồng hơn 2.080 tỷ đồng, nay đội thêm 403 tỷ đồng do biến động giá vật liệu xây dựng.
Tại gói thầu số 3 đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, thời điểm ký hợp đồng, giá thép 12.000 đồng/kg, đất đắp 85.500 đồng/m3, cát 330.000 đồng/m3, nhựa đường 10 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các vật liệu tăng 1,5 lần, nhiên liệu xăng dầu tăng gần 2 lần. Biến động giá đẩy giá trị hợp đồng tăng thêm 675 tỷ đồng, tăng 31% so với giá trúng thầu.
Các chi phí phát sinh này sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá do địa phương công bố. Tuy nhiên, ông Tới cho biết việc công bố giá và chỉ số giá của địa phương chưa sát thực tế. Ví dụ, tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, giá thép hiện hơn 19.000 đồng/kg, nhưng giá công bố của địa phương là hơn 18.000 đồng/kg; giá đất hiện là 158.000 đồng/m3 trong khi giá công bố 105.000 đồng/m3.
"Các gói thầu nhìn chung tăng 30% so với giá đấu thầu, song thời gian qua được điều chỉnh thấp. Chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành điều chỉnh giá theo thị trường nơi cao tốc đi qua", ông Tới nói và cho hay do khối lượng vật liệu rất lớn nên các nhà thầu không thể tích trữ đề phòng tăng giá được. Chi phí dự phòng của dự án có tính toán chi phí phát sinh, song vấn đề trượt giá chỉ được tính với tỷ lệ nhỏ.
Một nhà thầu tham gia cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 (Thanh Hóa) cũng cho biết, giá xăng dầu tăng gần gấp đôi, giá nhựa đường tăng gấp rưỡi làm tăng giá vận chuyển vật liệu. Tính chung các gói thầu xây cầu, đường đều tăng 25-30% so với giá trúng thầu. Trong khi đó, nhà thầu chỉ được tính trượt giá 5-6% nên bị thua lỗ rất nặng, làm không đủ chi phí.
Hiện hầu hết chủ mỏ vật liệu, nhà cung cấp vật tư, vật liệu... yêu cầu nhà thầu thanh toán trước đơn hàng khiến họ càng khó khăn vì thiếu hụt dòng tiền. "Chúng tôi càng làm càng lỗ, vì hợp đồng thì phải tiếp tục. Khi không đủ sức làm tiếp thì nhà thầu sẽ bỏ chạy, ảnh hưởng tiến độ công trình. Mong các cơ quan bộ ngành tháo gỡ khó khăn, cho phép đơn vị bù giá trực tiếp chứ không tính theo chỉ số giá tiêu dùng CPI", đại diện nhà thầu kiến nghị.
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, cho biết đơn vị đã rà soát biến động giá cả nguyên vật liệu tại các gói thầu đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây mà đơn vị phụ trách để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải. Ước tính các gói thầu tăng chi phí hơn 10% so với với giá trúng thầu trước đây.
Các gói thầu đều tính chi phí dự phòng 5-6% cho phần trượt giá. Tuy nhiên, theo ông Roãn, phần trượt giá có nguy cơ không đủ, phải cân đối lại từ chi phí dự phòng của cả dự án. Dù vậy, các chi phí này chưa ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của các dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây.
Đại diện Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết đang tổng hợp báo cáo của các Ban Quản lý dự án để nắm bắt biến động giá nguyên vật liệu và sẽ báo cáo Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu. Về lý thuyết, các hợp đồng xây lắp của dự án cao tốc Bắc Nam điều chỉnh theo chỉ số trượt giá CPI. Các khó khăn của nhà thầu do giá vật liệu tăng cao sẽ được giải quyết thông qua việc tính toán chi phí điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, việc chỉ số giá chưa được các địa phương công bố kịp thời và chưa phù hợp với biến động thực tế. Do đó, ngành giao thông đề nghị Sở Xây dựng các tỉnh công bố giá vật liệu và chỉ số giá xây dựng kịp thời, phù hợp với giá thị trường, xem xét xây dựng chỉ số giá riêng cho các gói thầu các dự án cao tốc, khác với chỉ số giá vật liệu cho các công trình xây dựng trên địa bàn.