Hội nghị CG 2006 | |
|
WB có 2 dự án do Ban quản lý dự án 18 (PMU 18, Bộ Giao thông Vận tải) quản lý, với số vốn ODA trên dưới 100 triệu USD. Ngay khi có những thông tin đầu tiên về tiêu cực tại ban quản lý dự án này, WB đã xúc tiến đợt thanh tra và tuyên bố sẽ đòi lại vốn nếu phát hiện tham nhũng, làm ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn ODA tại các dự án của mình.
Trao đổi với VnExpress sáng nay, bên lề Hội nghị nhóm tư vấn các Nhà tài trợ (CG 2006), ông Klaus Rohland, Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết sẽ sớm công bố một phần kết quả điều tra độc lập về những tiêu cực tại PMU18. "Chúng tôi cũng muốn đối chiếu kết quả này với kết luận điều tra của phía Việt Nam", ông nói thêm.
Chống tham nhũng trong sử dụng vốn ODA luôn là vấn đề được đặt ra tại các kỳ CG hằng năm. Phó giám đốc ADB tại Việt Nam Omkar Shrestha cho biết, các nhà tài trợ đều đang trông đợi việc Chính phủ xem xét đến nơi đến chốn vụ tiêu cực tại PMU18. "Với sự quyết liệt mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ sớm thấy được những tiến bộ trong sử dụng vốn ODA", ông Shrestha cho biết.
Cũng theo ông Shrestha, Việt Nam có cơ hội tiếp cận rất nhiều nguồn vốn ODA, song vấn đề quan trọng hơn chính là giải ngân và sử dụng đồng vốn đó như thế nào. Ông cho biết ADB sẵn sàng tài trợ nhiều hơn nữa cho Việt Nam, song tỷ lệ giải ngân vốn ODA của Việt Nam hiện chưa cao và sử dụng chưa thật sự hiệu quả.
"Tôi muốn nhấn mạnh tính hiệu quả trong sử dụng ODA. Cũng như việc bạn dùng hết những món ăn đã có thì bạn sẽ có thể lấy các món ăn mới. Việt Nam đặt ra mục tiêu thu hút 11-12 tỷ USD vốn ODA trong 5 năm, trong khi nhiều nước mất đến hơn 20 năm mới đạt được. Vì vậy, chỉ có cách đẩy nhanh giải ngân ODA mới giúp Việt Nam hiện thực hóa được mục tiêu này", ông cho hay.
Ông Klaus Rohland, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng, việc giao quyền nhiều hơn cho các quan chức cấp Bộ và địa phương sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ giải ngân. Đại diện 2 nhà tài trợ này đều bày tỏ hy vọng nghị định mới về phân cấp quản lý vốn ODA sẽ góp phần tích cực đẩy nhanh quá trình này.
Việc giải ngân vốn ODA năm 2006 của Việt Nam được đánh giá đã có cải thiện so với những năm trước, song vẫn chưa được như mong đợi. Năm 2006, mức cam kết của các nhà tài trợ là 3,74 tỷ USD và được hợp thức hóa bằng việc Việt Nam ký kết các hiệp định với các nhà tài trợ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến cuối năm nay, tổng giá trị ODA Việt Nam ký kết sẽ đạt 3,066 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 1993 và tăng 20% so với năm 2005. Trong đó, dự kiến mức giải ngân là 1,8 tỷ USD.
Ngọc Châu