Chỉ vài ngày sau khi Google Glass được đưa tới tay các nhà phát triển, thiết bị này đã nhanh chóng bị "root". Jay Freeman, nhà sáng lập của kho ứng dụng Cydia, đã khoe "chiến công" của mình ngay sau khi điều khiển được toàn bộ hệ thống Android trên kính Google.
Theo Forbes, ngay sau khi phát hiện Google Glass chạy Android 4.0.4, Jay Freeman đã tìm hiểu tất cả cách thức thâm nhập hệ thống mà các hacker tìm ra trước đây. Anh chia sẻ: "Tôi đã tìm hiểu cách root các điện thoại và tablet Android thông thường của B1nary và làm những điều tương tự đối với Google Glass. Mọi thứ được thực hiện khá dễ dàng".
Jay đã đưa thiết bị vào chế độ Debug đồng thời sử dụng một lỗi xuất hiện trong chức năng sao lưu dữ liệu để đánh lừa hệ thống và giành quyền kiểm soát. Một nhân viên Google sau khi được Jay Freeman chia sẻ "mánh root" đã ngạc nhiên không ít. Thậm chí, "Googl-er" này còn cho biết lẽ ra chế độ Debug phải bị Google đưa ra khỏi phiên bản Android cài trên kính Glass trước đó.
Jay cho biết việc "root" kính Google sẽ giúp người dùng lưu các dữ liệu của mình trên thiết bị hoặc các điện thoại khác nhờ truyền tải qua kết nối Bluetooth thay vì tự động đưa chúng lên máy chủ của Google. Nhờ đó, người dùng có thể bảo mật được các dữ liệu cá nhân của mình. Ngoài ra, người sử dụng Google Glass có thể tránh việc "gã khổng lồ tìm kiếm" vô hiệu hoá thiết bị từ xa khi vi phạm một điều khoản nào đó, ví dụ bán sản phẩm cho một người dùng khác.
Jay Freeman không phải là người duy nhất "hack" được kính Google Glass. Một nhà phát triển khác có tên Liam McLoughlin cũng vừa làm được điều này. Tuy nhiên, cách thức "root" của Liam cũng không được nói cụ thể.
Hiện tại, vẫn chưa rõ phiên bản cho người tiêu dùng của Google Glass có thể "root" dễ dàng như bản Explorer Edition cho các nhà phát triển hay không.
Thanh Tùng