Nhà máy làm ăn cầm chừng, nhiều khi trả lương bằng thành phẩm, còn công nhân viên phải tất tả nơi này nơi khác để kiếm sống. Bố mẹ tôi, có vài lần mang về cả túi kẹo Nugar thay vì lương. Rồi mẹ tôi buôn bán linh tinh, bố tôi đi hàn gò thêm bên ngoài, giúp mâm cơm nhà bớt đi rau lang luộc với muối vừng. Thế nhưng, tôi vẫn nhớ món trứng rán siêu mặn, một quả trứng rán ăn được hai bữa cơm.
Trong một nỗ lực cứu vãn thu nhập và đời sống cho hàng chục cán bộ công nhân viên, nhà máy được đầu tư một khoản lớn để xây tháp chưng cất cồn theo công nghệ hiện đại, bởi rỉ đường thải ra từ nhà máy có thể dùng để chưng cất cồn. Dự án nhằm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường mới manh nha hình thành.
Nhưng một cách thần kỳ nào đó, người ta lại lắp ngược “dây chuyền hiện đại”, khiến khu tháp bốn tầng trở nên vô dụng. Không bao lâu sau, nhà máy giải thể. Toà nhà bốn tầng hình chữ L, bên trong là dây chuyền chưng cất đang mòn gỉ dần trở thành tụ điểm yêu thích của lũ trẻ chúng tôi. Cái tháp cồn bỏ hoang cứ nằm mãi ở đó cho đến gần chục năm sau, người ta đập bỏ, nhường chỗ cho một tuyến đường mới chạy qua.
Đầu năm nay, một trong những thành trì lớn nhất của kinh tế nhà nước trong ngành đồ uống có cồn là Sabeco được bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài, tôi lại nhớ đến tháp cồn năm xưa.
Habeco, doanh nghiệp nhà nước đứng thứ hai ngành này, cũng đang trong quá trình đàm phán để thoái vốn nhà nước. Mặc dù không còn thành phần kinh tế “chủ đạo” là nhà nước, thị trường đồ uống có cồn nội địa chưa bao giờ sôi động đến thế. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở các thị trường khác, từ bánh kẹo, sữa, cho đến phim ảnh.
Việc nhà nước thoái lui khỏi nền kinh tế, nhìn từ ví dụ đó, không những mở ra các thị trường rộng lớn, mà còn loại bỏ hiệu ứng “lấn át” đầu tư, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh bình đẳng, mang lại nhiều hàng hóa và dịch vụ đa dạng hơn cho người tiêu dùng. Về phía nhà nước, Ngân sách không còn phải lo lắng về tình hình kinh doanh phập phù của các doanh nghiệp, trả lương cho nhân viên, hay phải chi thêm nguồn lực để điều tra sai phạm.
Lợi ích mang lại là hết sức rõ ràng, nhưng quy trình ra quyết định chính sách ở nước ta không phải lúc nào dựa trên những tính toán về chi phí - lợi ích của xã hội. Hơn 10 năm trước, Chính phủ thành lập 12 tập đoàn kinh tế nhà nước nhằm tạo thành những “quả đấm thép” của nền kinh tế, với mong muốn xây dựng những bệ phóng như các chaebol của Hàn Quốc. Tiếc thay, những quả đấm này lại tự đấm vào chân mình, với hàng loạt vấn đề liên quan đến quản trị, vay nợ, và tham nhũng, đỉnh điểm là vụ vỡ nợ ở Vinashin và Vinalines. Sau giai đoạn đó, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - bắt đầu từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải - được đẩy mạnh. Cho đến nay, cả nước còn khoảng hơn 500 doanh nghiệp nhà nước.
Thế nhưng bức tranh đó chỉ là lớp vỏ. Nhiều doanh nghiệp mang tiếng là “cổ phần hóa”, nhưng tỷ lệ cổ phần của nhà nước chiếm đến hơn 90%, khiến trên thực tế nó vẫn hoạt động không khác trước khi “thay áo”.
Các bộ, ngành, địa phương - những cơ quan chủ quản của doanh nghiệp nhà nước - chần chừ trong việc nhượng lại quyền lợi kinh tế của mình. Điển hình là những công ty xổ số: rất khó để biện minh đây là ngành kinh doanh “đảm bảo an sinh xã hội và tư nhân không muốn làm”, nhưng không địa phương nào chịu nhả ra con gà đẻ trứng vàng của mình. Giữ lại những doanh nghiệp kiểu như vậy không chỉ gây xung đột lợi ích, mà còn tạo ra sự nhập nhằng giữa việc công, tư. Năm ngoái, nhiều người dân ở Tiền Giang rất bất bình khi biết công ty xổ số ở địa phương này tài trợ cho tỉnh 50 suất đi “học hỏi kinh nghiệm nước ngoài”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi làm việc với Thành ủy TP HCM mới đây đã phê bình Thành ủy vì không thực hiện được lộ trình cổ phần hóa 39 doanh nghiệp trong năm 2018 theo chỉ đạo của Chính phủ. Ngoại trừ quốc phòng an ninh và lĩnh vực tư nhân không làm, ông đề nghị địa phương này phải triệt để thoái vốn, kể cả ở những doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả.
Tất nhiên, tự tay bỏ đi khối tài sản đang sinh lời - thậm chí là siêu lợi nhuận như ngành xổ số - là rất khó. Nhưng nếu chúng ta thực sự muốn hướng đến một nền kinh tế thị trường đầy đủ, một nhà nước vận hành hiệu quả, một nền tảng doanh nghiệp tư nhân mạnh, thì nhà nước phải đoạn tuyệt với quá khứ “thành phần kinh tế chủ đạo” của mình.
Thành lập siêu ủy ban, đẩy nhanh cổ phần hóa, hay siết chặt kỷ luật cũng sẽ chỉ là giải pháp tình thế, nếu tư duy “làm kinh tế” của thập kỷ 80 còn bìu ríu. Cho đến lúc đó, những tháp cồn bỏ hoang, những ụ nổi gỉ sét, những mảnh đất bán rẻ như cho một cách bí ẩn sẽ tiếp tục khiến không ít người rơi vào cảnh tù tội và ngân sách bị bòn rút. Với những người làm chủ thực sự, như tôi và độc giả, sẽ còn lý do để ngậm ngùi.
Nguyễn Khắc Giang