Góp ý vào dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư ngày 19/11, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cơ chế chia sẻ rủi ro tại dự thảo luật "bất hợp lý, chưa rõ ràng và dễ dẫn hệ luỵ không công bằng". Đây cũng là băn khoăn của phần lớn các đại biểu khi thảo luận ở tổ cách đây một tuần.
Dự luật đưa ra 2 cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư trong hợp đồng PPP, gồm bảo đảm cân đối ngoại tệ và chia sẻ rủi ro doanh thu giữa Nhà nước - nhà đầu tư. Về cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ áp dụng cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng.
Còn cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, Chính phủ trình 2 phương án. Một là Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Phương án 2, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, do đây là dự án hợp tác công tư nên có trách nhiệm của Nhà nước trong chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông khẳng định, cơ chế chia sẻ rủi ro này không phải là bảo lãnh cho nhà đầu tư.
"Mục tiêu nhà đầu tư kinh doanh kiếm lợi nhuận, chứ không phải chờ thua lỗ nhận hỗ trợ, và việc này không áp dụng tràn lan và chỉ một số ít dự án", ông khẳng định.
Thảo luận trước đó, ông Hoàng Quang Hàm - thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách nói "bất hợp lý", khi cho phép doanh thu thực tế cao hơn hoặc thấp hơn phương án tài chính thì nhà đầu tư được tăng, giảm mức giá, phí sản phẩm dịch vụ hoặc rút ngắn, kéo dài thời hạn hợp đồng. Với các công trình trọng điểm, nhà nước còn bù phần hụt thu hoặc được chia thêm phần tăng thu.
"Quy định như vậy sẽ vô hiệu hóa toàn bộ kết quả đấu thầu vì giá trúng thầu thực chất là mức phí, thời gian thu bị điều chỉnh theo thực tế. Điều này vi phạm nguyên tắc thị trường là lời ăn lỗ chịu", ông Hàm cảnh báo.
Bà Vũ Thị Lưu Mai - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng băn khoăn về cơ chế chia sẻ rủi ro. Theo bà, khi nói đến PPP là nói đến hợp đồng, sự tự nguyện, cơ chế thỏa thuận nhà đầu tư lời ăn lỗ chịu theo đúng nguyên tắc thị trường. Nhưng quy định tại dự thảo luật cho phép nhà đầu tư tăng giá phí dịch vụ, kéo dài thời gian hạn thu phí, bà Mai nhấn mạnh "là ảnh hưởng trực tiếp tới người dân".
"Cần phải lưu ý đến phản ứng người dân ở các trạm thu phí BOT thời gian qua. Chưa kể, cơ chế này tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, vì dự án chia sẻ rủi ro là quy mô lớn, dự án trọng điểm, Nhà nước chia sẻ 50% rủi ro thì bằng hình thức nào, nguồn ở đâu, tác động nợ công xử lý thế nào", bà Mai nêu.
Phân tích kỹ hơn, ông Đinh Văn Nhã - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách nói, với cơ chế chia sẻ rủi ro chưa rõ ràng sẽ dễ dẫn đến không công bằng, bởi không có cơ sở căn cứ chia sẻ 50-50 giữa Chính phủ và nhà đầu tư trong trường hợp hụt hoặc vượt doanh thu dự án.
"Chính phủ cần cân nhắc không nên chia sẻ phần tăng thu này mà có thể điều chỉnh giảm giá phí dịch vụ hoặc rút ngắn thời hạn hợp đồng. Chính phủ cần cân nhắc không nên "nắm nhỏ, bỏ to" mà cần "bỏ con săn sắt, bắt con cá rô" - là các nhà đầu tư lớn", ông Nhã gợi ý.
Chia sẻ thực tế này, ông Hoàng Quang Hàm nhận xét, bản chất dự án PPP là nhà đầu tư bỏ vốn ra với kỳ vọng thu được lợi nhuận. Vì thế, quy định đưa ra phải để nhà đầu tư thu lợi nhuận phù hợp, nhưng số tiền, tài sản Nhà nước bỏ ra hoặc người dân nộp là tối thiểu. Nhà nước cũng phải kiểm soát được chất lượng công trình tương xứng với số tiền nhà đầu tư được hưởng.
Anh Minh