Marcel Schliebs, chuyên gia nghiên cứu thông tin sai lệch tại Đại học Oxford của Anh, đã theo dõi các thông điệp mà quan chức ngoại giao và truyền thông Trung Quốc đăng trên Twitter trong 18 tháng qua. Hồi giữa tháng 9, chuyên gia này phát hiện giả thuyết "đáng ngạc nhiên" về nguồn gốc Covid-19 được giới ngoại giao Trung Quốc lan truyền.
Schliebs ngày 21/10 cho biết Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Ấn Độ Tra Lập Hữu đã đăng đoạn tweet cho rằng Covid-19 có thể tới Vũ Hán từ một lô tôm hùm được nhập từ bang Maine, Mỹ tới chợ hải sản ở thành phố này hồi tháng 11/2019. Đây là giả thuyết mới nhất về nguồn gốc Covid-19 được các tài khoản Twitter liên quan đến Trung Quốc đưa ra trong hai năm qua.
Nghiên cứu sâu hơn, Schliebs phát hiện mạng lưới hơn 550 tài khoản Twitter cùng lan truyền thông điệp này, được dịch sang nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Ba Lan, Hàn Quốc và thậm chí cả Latinh, được đăng đều đặn trong khoảng 8-11h giờ Bắc Kinh mỗi ngày.
Trong số này, một số dường như là "tài khoản clone" với rất ít hoặc không có người theo dõi. Số khác là tài khoản đã được xác thực song bị chiếm đoạt để phát tán giả thuyết trên, Schliebs cho biết.
"Rất khó để đưa ra kết luận, song chúng ta có thể thấy đó là một chiến dịch truyền bá thông tin bài bản và mang lại lợi ích cho Trung Quốc", chuyên gia này nhận định.
Truyền thông Trung Quốc nhiều lần nêu giả thuyết Covid-19 có thể đến từ thực phẩm đông lạnh. Schliebs cho biết Tổng lãnh sự Tra Lập Hữu hồi tháng 12/2020 đăng đoạn tweet cho biết Covid-19 có thể từ nơi khác đến Vũ Hán thông qua các kiện hàng đông lạnh, đồng thời kêu gọi điều tra một giả thuyết khác cho rằng quân đội Mỹ có liên quan đến việc phát tán nCoV.
Schliebs cho biết đã chia sẻ với Twitter bảng thống kê các tài khoản có hành vi bất thường. Sau khi xem xét, Twitter đã khóa các tài khoản trên theo chính sách ngăn tin rác và thao túng.
"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là giữ cho mọi người an toàn và chúng tôi luôn cảnh giác về hoạt động phối hợp lan truyền tin giả trên nền tảng của mình", phát ngôn viên Twitter Marco Bilello cho biết.
Twitter đang điều tra các mạng lưới tài khoản chưa xác thực để xem chúng có liên hệ với Trung Quốc hay không, song tiến trình này có thể kéo dài vài tháng.
Do nhóm nghiên cứu của Schliebs nhanh chóng xác định được mạng lưới này, ảnh hưởng của chúng "có thể là rất nhỏ", khi các tài khoản bị đình chỉ trước khi thu hút nhiều sự quan tâm, chuyên gia này cho biết.
Ngành công nghiệp tôm hùm của bang Maine bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong nhiều năm qua. Xuất khẩu tôm hùm sống của Mỹ sang Trung Quốc giảm 40% vào năm 2019, sau khi Trung Quốc áp thuế nặng với tôm hùm Mỹ trong chiến tranh thương mại do tổng thống Donald Trump khởi xướng.
Xuất khẩu tôm hùm của Mỹ sang Trung Quốc tăng trở lại năm 2020, sau khi Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế với mặt hàng này. Một số chuyên gia lo ngại Trung Quốc có thể áp hạn chế với hoạt động nhập khẩu thủy hải sản trong tương lai, sau các quyết định hạn chế nhập tôm hùm Australia và cá hồi Na Uy.
Một số bài viết về giả thuyết tôm hùm Maine có thể là nguồn gốc của Covid-19 đã dẫn lại báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hồi tháng 3 cho rằng nCoV có thể tồn tại trong sản phẩm và bao bì được bảo quản lạnh trong thời gian dài.
Số khác nêu giả thuyết rằng các ca bệnh phổi, vốn được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) bang Maine kết luận là do thuốc lá điện tử gây ra, có thể là các ca Covid-19 đầu tiên. Tuy nhiên, CDC bang Maine tuyên bố giả thuyết này không có cơ sở khoa học.
Nguyễn Tiến (Theo NBC News)