Anh Nguyễn Tiến Đạt, làm việc tại một cơ sở sản xuất nano bạc ở TP HCM trong diễn đàn "Làm thế nào để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học" chia sẻ quá trình anh thành công trong việc tạo ra nano bạc. Để làm điều này, anh đã trải qua quá trình vất vả tìm hiểu nhu cầu của mọi người, từ đó anh và đồng nghiệp thiết kế sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đông đảo mọi người, và anh đã thành công. Anh viết:
"Theo kinh nghiệm của tôi, làm khoa học trước hết phải bắt đầu từ việc giải quyết các bài toán thực tế của cuộc sống. Nhà khoa học phải gần dân, sát dân để tìm hiểu và phát hiện các nhu cầu của họ. Khoa học nên dựa trên nền tảng kiến thức để phân tích và nhận định, và sau đó đưa ra các giải pháp phù hợp với cuộc sống. Khi giải pháp đưa ra, công trình nghiên cứu đó là hữu ích, và tự nhiên nó trở thành loại "hàng hóa" đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Vì vậy, tôi nghĩ nên trang bị cho các nhà nghiên cứu kỹ năng marketing. Đừng nghĩ rằng công việc marketing là của một nhóm người có chuyên môn bán hàng, mà là công việc của tập thể, mọi lúc, mọi nơi nhằm phát hiện nhu cầu, đáp ứng nhu cầu. Bán được hàng chỉ là kết quả của cả quá trình tiếp cận khách hàng mà thôi.
Tôi xin kể bài học về việc thương mại hóa sản phẩm nano bạc do mình sản xuất.
Cách đây hai năm, tôi đã nghiên cứu nano bạc thành công. Tôi mất khoảng một năm thực hiện các công việc thử nghiệm vô cùng tốn kém mà không biết tìm đâu ra khách hàng. Khi đó, tôi lâm vào hoàn cảnh bế tắc về tài chính và nhiều lúc muốn bỏ cuộc.
Tuy nhiên, thay vì chờ đợi khách hàng mua về chế tạo các sản phẩm ứng dụng, tôi đã tìm hiểu và biết nhu cầu nano bạc trong ngành thủy sản, nông nghiệp, công nghiệp rất lớn. Nếu chỉ mua nano bạc về, khách hàng không biết sử dụng như thế nào cho phù hợp, đây là bài học thất bại của các công ty sản xuất và các trung tâm nghiên cứu trước đây. Sản phẩm của tôi cũng bị nhiều khách hàng từ chối do khó sử dụng và hiệu quả không rõ rệt.
Tôi nhận ra, sản phẩm công nghệ cao, tính năng tốt nhưng "không phù hợp với nhu cầu sử dụng" thì cũng không thể thương mại hóa được.
Thay vì chờ đợi, tôi tìm hiểu nhu cầu của người nuôi trồng thủy sản, của bà con nông dân trồng cây ăn quả. Từ đó, tôi thiết kế và chế tạo lại sản phẩm cho phù hợp với cách sử dụng và an toàn cho môi trường, không độc hại và hiệu quả cao. Kết quả là sản phẩm nano bạc của tôi đã bán ra thị trường và phổ biến rộng rãi cả nước.
Không dừng lại ở thành công ban đầu, sản phẩm nano của chúng tôi liên tục được cải tiến để phù hợp hơn với nhu cầu của bà con nông dân, và các nhà sản xuất công nghiệp.
Bài học để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học là hãy bắt đầu từ nhu cầu thực tế, đừng làm ra sản phẩm rồi "bắt" mọi người phải dùng.
Nguyễn Tiến Đạt