Đó là ý kiến của anh Đỗ Quốc Tuấn, nghiên cứu sinh vật lý lý thuyết tại Đại học Chiao Tung, Đài Loan tham gia diễn đàn "Làm thế nào để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học".
"Từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu tới một nước có nền công nghiệp tiên tiến là cả một quá trình đầy thách thức đối với dân tộc Việt Nam. Khoa học - công nghệ đã và đang được coi như một trong những lời giải chính cho bài toán vô cùng hóc búa này.
Tuy nhiên, bản thân các kết quả nghiên cứu khoa học – công nghệ không lập tức gia tăng thu nhập cho nền kinh tế. Chỉ khi nào các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa thành các sản phẩm hoàn thiện và được người tiêu dùng đón nhận vì có những tính năng đáp ứng nhu cầu nhất định của con người, thì lúc ấy khoa học – công nghệ mới đóng góp vai trò của mình cho nền kinh tế.
Từ phòng thí nghiệm tới người tiêu dùng là cả một quá trình phức tạp bao gồm nhiều bước như công bố quốc tế, đăng ký bản quyền, đăng ký thương hiệu, sản xuất mẫu thử nghiệm, các bài kiểm tra kỹ thuật, sản xuất hàng loạt, marketing, bảo hành, hậu mãi. Khi nói tới nền kinh tế có nghĩa ta nói tới một tổng thể các mặt từ nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ cho tới luật pháp. Một nền kinh tế mạnh chỉ khi có các mặt phối hợp nhau một cách nhịp nhàng, ăn khớp nhau.
Trong nền kinh tế mạnh, thương mại hóa kết quả nghiên cứu diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Trong một thế giới toàn cầu hóa đầy tính cạnh tranh như hiện nay thì người nào tạo ra sản phẩm có tính đột phá đầu tiên, người đó sẽ chiếm được thị trường. Để có được sự đột phá đầu tiên đó thì chỉ có quá trình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mang lại, vì nghiên cứu là quá trình tìm tòi, khám phá những thứ chưa ai biết, những thứ hoàn toàn mới.
Sẽ rất lãng phí nếu các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao không được thương mại hóa ngay vì với trình độ của các nước có nền khoa học-công nghệ tiên tiến họ chỉ mất một thời gian ngắn, thậm chí rất ngắn là có thể lặp lại các kết quả mà người khác vừa công bố. Và sẽ thật là buồn khi kẻ đi sau lại giàu to nhờ vào phát minh của kẻ đi trước.
Quay lại bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam trước đây là thuần nông và dựa chủ yếu vào viện trợ nước ngoài. Chỉ 20-30 năm gần đây, nhất là từ khi nhà nước mở cửa thì công nghiệp mới được phát triển mạnh. Tuy nhiên, do Việt Nam không có nền tảng khoa học kỹ thuật ban đầu nên hầu hết các dây chuyền sản xuất là nhập từ nước ngoài về. Hàm lượng chất xám của người Việt đóng góp trong các dây chuyền công nghiệp này gần như không có. Do vậy, giữa nhà sản xuất và nhà khoa học Việt Nam không có mối liên kết ngay từ giai đoạn đầu. Điều này khiến các nhà khoa học không biết nhà sản xuất cần gì để mà nghiên cứu, và nhà sản xuất không biết nhà khoa học có thể làm được gì, kết quả của họ có đáng tin cậy để có thể thương mại hóa được không.
Quá trình đó tiếp diễn mãi cho tới tận bây giờ, kéo theo sự ngăn cách giữa hai “nhà” càng thêm rộng. Nhà khoa học thì cứ nghiên cứu những thứ không cần cho nền kinh tế, trong khi những thứ cần thì luôn phải nhập khẩu. Phải chăng các nhà khoa học trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật-ứng dụng đã hụt hơi, mất phương hướng trước sự phát triển của nền kinh tế?
Để thích ứng với nhu cầu mới của giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các nhà khoa học không nên bó hẹp tư duy trong phòng thí nghiệm mà cần phải có cái nhìn ra ngoài thị trường. Trước khi bắt tay vào tiến hành thí nghiệm, họ cần phải trả lời được các câu hỏi: Liệu nó có thể ứng dụng vào các thiết bị, sản phẩm mà thị trường đang cần? Liệu nó có thể giải quyết các nhu cầu thị trường đang chờ đợi? Anh không thể thành công nếu anh nghiên cứu cái đã quá cũ hoặc cái không có tiềm năng ứng dụng vào thực tế.
Ví dụ, nói về màn hình tivi, có một cuộc cách mạng đang diễn ra. Từ điểm yếu của màn hình CRT thế hệ cũ như tốn điện, kích thước cồng kềnh, độ nét không cao, các nhà khoa học không chỉ ở các trường, viện nghiên cứu mà còn ở các phòng phát triển công nghệ của các tập đoàn điện tử lớn đã không ngừng nỗ lực khắc phục những điểm yếu này.
Các thế hệ màn hình tiết kiệm điện, kích thước giảm, độ nét cao đã ra đời và được thị trường đón nhận tích cực. Tivi giờ đây không chỉ bó hẹp ở khái niệm nghe và nhìn, nó giờ là một trung tâm giải trí đa phương tiện tại nhà. Đọc báo, lướt web, trò chuyện với bạn bè, người thân trên tivi đang dần phổ biến, và dĩ nhiên, sản phẩm nào ưu việt nhất (công nghệ+giá cả) thì được mua nhiều nhất và công ty có sản phẩm đó dĩ nhiên thu nhiều lợi nhuận nhất. Trong câu chuyện tivi, chúng ta không thể không nhắc tới hai hãng điện tử khổng lồ của Hàn Quốc là Samsung và LG. Từ chỗ bắt chước lại các sản phẩm của các hãng điện tử Nhật như Sony, Sharp trong giai đoạn đầu mới thành lập, giờ họ đã trở thành các đối thủ đáng gờm, thậm chí họ còn dẫn đầu ở một số sản phẩm.
Tại sao họ làm được điều đó? Vì họ có mục tiêu lấy ngắn nuôi dài, trong giai đoạn đầu họ chấp nhận làm gia công cho các công ty khác, chấp nhận bán sản phẩm với lợi nhuận ít để nuôi đội ngũ kỹ sư trong các phòng thí nghiệm của họ. Khi đã nắm chắc công nghệ nền tảng, họ tự tin phát triển các công nghệ mới, tung ra thị trường các sản phẩm có chất lượng không thua kém gì các đối thủ. Công nghệ là của họ, họ không phải bỏ tiền tấn ra mua nên giá thành sản phẩm của họ rất cạnh tranh. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ cho chúng ta thấy tại sao phải gắn khoa học-công nghệ với sản xuất, thị trường. Hiện nay, nước ta đang có một vài công ty học theo mô hình của các công ty Hàn Quốc như Viettel, Rạng Đông, Việt Tiến. Đó là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế còn non trẻ của Việt Nam.
Có một yếu tố không thể không nhắc tới trong quá trình thương mại hóa các sản phẩm khoa học, đó là khung luật pháp. Ở nước ta, luật pháp như luật sở hữu trí tuệ, luật bản quyền chưa đi vào cuộc sống. Các nhà khoa học cũng vì thế không mặn mà khi thương mại hóa vì nạn ăn cắp bản quyền. Tại các nước có nền kinh tế phát triển, nhà khoa học phát minh ra sản phẩm mới được xã hội đón nhận có khả năng cao sẽ trở thành triệu phú, bởi họ có thể bán bằng phát minh cho các công ty, hoặc có thể tự mở công ty để thương mại hóa phát minh của bản thân. Họ chỉ có thể làm được điều đó nếu pháp luật bảo vệ sáng tạo của họ. Đó là một trong những động lực để xã hội có thêm nhiều nhà phát minh.
Đỗ Quốc Tuấn
Mời độc gia tham gia diễn đàn "Làm thế nào để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học" bằng cách gửi về hòm thư Khoahoc@vnexpress.net hoặc box "Ý kiến của bạn" bên dưới.