Nhà máy thủy điện tích năng là một dạng thủy điện sử dụng công nghệ lưu trữ năng lượng tái tạo. Tương tự một "bình ắc quy", chức năng chính của thủy điện tích năng là tích lũy điện năng để bổ sung cho hệ thống khi cần thiết. Tức là, điện năng sẽ được tích lại vào thời gian rảnh rỗi và mang ra dùng khi có nhu cầu.
Ngày 22/2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khởi công xây dựng dự án nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái - giai đoạn 2. Trước đó, EVN đã xây dựng xong cụm công trình cửa xả nằm sâu trong lòng hồ thủy lợi Sông Cái.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đây là thủy điện tích năng đầu tiên tại Việt Nam và là một trong các dự án trọng điểm của EVN trong năm nay. Nhà máy dự kiến hoàn thành tổ máy 1 vào tháng 12/2029, tổ máy 4 vào tháng 12/2030. Toàn bộ dự án sẽ được xây dựng xong vào tháng 5/2031.
Như vậy, dự án có thể được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2029-2030, theo đại diện EVN.

EVN khởi công xây dựng dự án nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái - giai đoạn 2, ngày 22/2. Ảnh: Trần Trung
Dự án tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, có quy mô 1.200 MW gồm 4 tổ máy turbin, bơm - máy phát, động cơ. Mỗi tổ máy có công suất 300 MW. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 21.100 tỷ đồng, nguồn vốn từ đi vay và phần còn lại do EVN bố trí.
"Dự án này sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững", đại diện EVN nói.
Khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận tập trung nhiều dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió). Các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 & 2 với công suất dự kiến 6.000-6.400 MW sẽ được vận hành sau 2030. Do vậy, thủy điện tích năng Bác Ái được kỳ vọng sẽ góp phần điều tiết công suất cho khu vực này.
Thủy điện tích năng sẽ gồm 2 hồ chứa ở hai độ cao khác nhau và 1 nhà máy thủy điện. Khi nhu cầu tiêu thụ điện thấp, nhà máy dùng điện dư thừa để bơm nước từ hồ thấp lên hồ chứa trên cao. Còn khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng vào giờ cao điểm, nước được xả xuống từ hồ cao xuống hồ thấp để phát điện. Việc này giúp ổn định vận hành của lưới điện khu vực và cả hệ thống.
Phương Dung