Quá trình thi công bắt đầu hôm 6/8 nhằm xây nhà máy thủy điện tích năng lớn nhất vùng ở tỉnh Thanh Hải. Theo dự kiến, dự án thủy điện này có công suất lắp đặt tối đa 2,8 gigawatt (GW) sau khi đi vào hoạt động.
Nhà máy điện có hai hồ chứa nước đóng vai trò như bộ pin khổng lồ, xả nước từ hồ cao hơn để sản xuất điện khi nhu cầu tăng cao và bơm nước trở lại bằng nguồn tái tạo khi nhu cầu xuống thấp. Công trình nằm ở huyện Quý Nam phía đông Thanh Hải, sử dụng hồ chứa nước Laxiwa trên sông Hoàng Hà như hồ thấp hơn. Nhà máy điện Thanh Hải sẽ được vận hành bởi Tập đoàn lưới điện quốc gia, nằm trong một loạt dự án tại tỉnh này nhằm nâng cao độ tin cậy của lưới điện.
Thanh Hải có công suất lắp đặt năng lượng tái tạo cao nhất trong số các tỉnh ở Trung Quốc. Lưới điện của tỉnh gồm 28% thủy điện, kết hợp điện gió và điện mặt trời (chiếm 63%). Năm 2030, ước tính tỉnh sẽ đạt hơn 100 GW điện gió và điện mặt trời, gấp 3,5 lần công suất lắp đặt hiện nay. Tuy nhiên, một thách thức lớn với hai loại năng lượng tái tạo này là cao điểm sản xuất năng lượng không trùng khớp với cao điểm tiêu thụ điện, dẫn tới nhu cầu lưu trữ để sử dụng linh hoạt hơn điện sản xuất.
Áp lực cung cấp giải pháp lưu trữ để đáp ứng cao điểm nhu cầu điện ngày càng tăng tại Thanh Hải. Thủy điện tích năng rất lý tưởng đối với lưới điện phụ thuộc vào điện gió và điện mặt trời do hệ thống có thể hấp thụ và giải phóng năng lượng dựa trên nhu cầu, theo Hiệp hội Thủy điện Quốc tế. Liu Yongqi, giám đốc phòng năng lượng mới và bơm tích năng ở Tập đoàn lưới điện quốc gia, cho biết nhà máy mới sẽ lấp đầy khoảng trống về thủy điện tích năng ở tỉnh Thanh Hải và đóng vai trò lớn trong cung cấp năng lượng ổn định cho lưới điện.
Nhà máy Warang station sẽ có công suất lưu trữ 20 triệu kilowatt giờ và kết nối với lưới điện Thanh Hải qua đường truyền tải 750 kilovolt, theo Cục năng lượng quốc gia (NEA). Sau khi nhà máy Warang hoạt động, mức lưu trữ mà cơ sở cung cấp sẽ giúp giảm 5 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm và cải thiện truyền năng lượng từ các nhà máy điện gió và điện mặt trời ở xung quanh. Nhà máy Warang được xây kết hợp với 3 dự án khác, nhằm giúp 650.000 người có điện sử dụng.
NEA ưu tiên phát triển dự án thủy điện tích năng nhằm giúp Trung Quốc đạt mục tiêu không thải carbon. Theo kế hoạch năm 2021, nước này hướng tới đạt công suất lắp đặt thủy điện tích năng là 62 GW vào năm 2025 và 120 GW vào năm 2030. Những mục tiêu này bao gồm xây dựng 200 cơ sở thủy điện tích năng với tổng công suất 270 GW vào năm 2025.
An Khang (Theo SCMP)