Nhà máy cơ khí của Bkav nằm ở khu vực phía sau sân vận động quốc gia Mỹ Đình, có diện tích gần 2.000 mét vuông với khoảng 60 người gồm các kỹ sư, quản lý và nhân viên. Bên trong trang bị hơn chục máy cắt CNC, ép nhựa, xung điện, cắt dây... với nhiệm vụ chế tác cơ khí cho Bphone từ những công đoạn thô sơ nhất như tạo kết nối cho khuôn, phay CNC, bo viền ngoài, gia công nút nguồn, nút âm lượng.
Trong khi đó, nhà máy điện tử của Bphone nằm ngay trên đường Phạm Hùng, diện tích tầm 1.500 mét vuông với hơn 100 người làm việc theo ca. Khu lắp ráp điện thoại được sắp xếp đơn giản, bao gồm 5 dây chuyền sản xuất (mỗi dây chuyền 12-14 người).
Do có quy mô nhỏ và cường độ làm việc không cao, khách tham quan không cảm nhận được không khí căng thẳng, gấp gáp như ở nhà máy của các hãng lớn. Chẳng hạn tại nhà máy Foxconn (sản xuất iPhone) hay nhà máy Samsung, công nhân làm việc dưới sự giám sát của camera, hạn chế nói chuyện trong giờ và hầu hết phải đứng trong ca trực. Còn tại Bkav, tất cả công nhân trong dây chuyền ngồi đối diện nhau trên ghế xoay bọc đệm và vẫn có thể trao đổi với nhau.
Đa số công nhân ở nhà máy điện tử của Bphone chưa từng tham gia lắp ráp điện thoại trước đây mà chủ yếu thuộc bộ phận sản xuất nhà thông minh SmartHome của Bkav, sau đó được đào tạo để chuyển sang dây chuyền mới.
Trang, 32 tuổi người Nam Định và tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, đang làm công việc kiểm tra bo mạch máy trước khi đóng nắp lưng hoàn thiện cho sản phẩm. Trang cho biết cô rất thích nhà máy Bphone vì không khí làm việc thoải mái. Công việc bắt đầu từ 8h đến 17h30, trong cả quá trình làm việc, cô còn được tham gia thể dục, thư giãn vào 10h sáng và 16h chiều, do đó Trang và các bạn đồng nghiệp đều không cảm thấy mệt mỏi. Trang cho biết thu nhập một tháng của cô đủ để sắm một chiếc Bphone và chắn chắn thời gian tới cô sẽ dùng chiếc điện thoại do chính mình góp phần sản xuất.
Trong khi đó, Hà, 28 tuổi người Yên Bái, phụ trách quản lý một dây chuyền lắp ráp khoảng 14 người. Dù lần đầu tham gia lắp ráp điện thoại, anh và các công nhân khác được đào tạo theo từng công đoạn nên không gặp nhiều bỡ ngỡ. Hà chia sẻ, bạn bè anh rất quan tâm và hỏi nhiều khi biết anh làm tại nhà máy Bphone như sản phẩm có thực sự tốt như quảng cáo không, có nên mua không...
Độ tuổi trung bình của công nhân ở nhà máy Bphone khoảng 27 tuổi, cao hơn các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung (23 tuổi).
Tại nhà máy điện tử, mỗi dây chuyền đảm nhiệm từng công đoạn khác nhau của việc lắp ráp Bphone trước khi đến tay khách hàng như dùng cồn làm sạch khung kim loại, gắn linh kiện, kiểm tra chất lượng màn hình, nhập EMEI và khắc mã lên khay sim... Các công nhân thực hiện khá tỉ mỉ và tương đối chậm. Đại diện Bkav giải thích do có chuyến thăm của giới truyền thông nên các dây chuyền đã được yêu cầu giảm cường độ để khách tham quan thuận tiện theo dõi.
Theo Bkav, cả hai nhà máy hiện tại của họ đều đạt công suất tối đa 800 máy mỗi ngày, tức khoảng 24.000 sản phẩm mỗi tháng. Thừa nhận quy mô nhà máy vẫn còn khiêm tốn và chưa thể sánh với Samsung hay Microsoft, nhưng ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch phụ trách phần cứng của Bkav, khẳng định công ty đã sẵn sàng để mở thêm một nhà máy lớn hơn, diện tích khoảng 2,3 ha, ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc nếu nhận được phản hồi tốt từ thị trường và nhu cầu tăng lên.
Chia sẻ sau chuyến tham quan, ông Bạch Thành Lê, Phó chủ tịch Bkav, nói rằng công ty này đang lên kế hoạch tiếp cận một số thị trường khác ở châu Á, như Ấn Độ và có thể cả Mỹ trong năm tới. Bkav đã thông qua Qualcomm để kết nối và đàm phán với nhà mạng Mỹ như Verizon, AT&T... nhằm phân phối Bphone tại đây.
Đợt bán Bphone đầu tiên đã diễn ra ngày 2/6 và đợt bán tiếp theo là từ 10h đến 22h ngày 25/8. Sản phẩm dự kiến được giao hàng vào ngày 2-7/9. Mức giá cho các phiên bản vẫn không thay đổi.
Châu An