Thông tin từ Ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM (Hepza) cho hay từ ngày 16 đến 30/9, dựa trên danh sách đăng ký của doanh nghiệp đơn vị này sẽ phối hợp cơ quan chức năng cấp thẻ xanh, thẻ vàng Covid cho lao động, làm cơ sở để các nhà máy bảo đảm an toàn khi sản xuất trở lại.
Động thái này được đưa ra sau khi chính quyền TP HCM cho phép 3 địa phương (quận 7, Củ Chi và Cần Giờ) kiểm soát được dịch thí điểm thẻ xanh Covid. Sau khi được cấp thẻ, người lao động có mã QR trên ứng dụng di động "Y tế TP HCM" hoặc doanh nghiệp in mã này từ trang khai báo y tế điện tử với trường hợp không sử dụng điện thoại thông minh. Quy định vừa được chuyển cho doanh nghiệp nên hiện Hepza chưa có số liệu nhà máy sẽ thực hiện.
Theo Hepza, "người lao động xanh" phải đáp ứng các điều kiện gồm có thẻ xanh Covid, cư trú tại các địa bàn thuộc "vùng xanh" của địa phương và xét nghiệm PCR âm tính.
Về "cung đường xanh", nếu người lao động đi bằng xe cá nhân phải cam kết với chủ doanh nghiệp đảm bảo tuân theo lộ trình đã đăng ký, đi từ "nơi ở xanh" đến nơi làm việc. Trường hợp đi lại bằng xe đưa đón của nhà máy phải tuân thủ 5K, giãn cách, tài xế có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 72 giờ.
Nhà máy được xem là "vùng sản xuất xanh" phải đáp ứng các tiêu chí đánh giá an toàn sản xuất do thành phố ban hành và không phát sinh ca nhiễm trong 7 ngày qua. Người đến giao dịch tại doanh nghiệp phải có thẻ xanh, nếu thẻ vàng cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Định kỳ 5 ngày, nhà máy tổ chức xét nghiệm cho lao động và gửi kết quả về cơ quan chức năng.
Hepza cũng khuyến khích doanh nghiệp bố trí sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi, ca kíp tương ứng từng loại thẻ người lao động được cấp.
"Nơi ở xanh" là "vùng xanh" được địa phương công bố mà người lao động sống.
Ngoài phương thức sản xuất "4 xanh", từ ngày 16/9 các nhà máy vẫn tiếp tục thực hiện các phương án vừa sản xuất vừa cách ly gồm "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai địa điểm" hoặc kết hợp cả hai hình thức.
Theo hướng dẫn của Hepza, tại quận 7 nơi có Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), doanh nghiệp được chủ động áp dụng một trong 3 phương thức phù hợp nhu cầu, kế hoạch hoạt động sản xuất của mình. Các nhà máy thuộc các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi phải được Hepza và chính quyền xem xét đánh giá dựa trên diễn biến dịch tại địa phương.
TP HCM hiện có 1,2 triệu công nhân làm việc tại các nhà máy, riêng 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao có hơn 320.000 người với gần 1.600 doanh nghiệp. Từ ngày 15/7, theo yêu cầu của chính quyền thành phố, nhà máy không đảm bảo yêu cầu phòng dịch phải dừng hoạt động. Thống kê của Liên đoàn lao động TP HCM, tính đến ngày 15/9, hơn 10.600 doanh nghiệp vừa cách ly vừa sản xuất tại chỗ với gần 14.000 người ở lại nhà máy.
Lê Tuyết