Sau gần 10 ngày tạm ngưng do phát hiện 7 ca nhiễm, Công ty TNHH Nidec Việt Nam ở Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, với 6.000 lao động, chuyên sản xuất motor quạt, đã hoạt động trở lại dù sản lượng chưa đến 10% so với trước. Với tổng cộng 475 người bao gồm cả bảo vệ, phục vụ bếp ăn ở tại chỗ, nhà máy tập trung sản xuất những model quan trọng, đơn hàng gấp.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn công ty cho hay hôm 7/7 qua test nhanh gần 2.000 công nhân làm ca đêm, nhà máy phát hiện 4 ca nhiễm đầu tiên. Công ty đã chủ động ngưng sản xuất để khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm toàn bộ lao động. Khi số ca nhiễm lên 7, Ban quản lý Khu công nghệ cao (SHTP) yêu cầu nhà máy chỉ được hoạt động trở lại khi có kế hoạch "vừa sản xuất, vừa cách ly" và được tổ thẩm định thông qua.
Trong phương án gửi Ban quản lý SHTP hôm 12/7, Nidec Việt Nam thông báo giảm quy mô hoạt động còn 20%; cải tạo quy trình sản xuất đảm bảo giãn cách giữa nhân viên trên 2 m. Công ty sử dụng nhà xưởng và kho thành phẩm lắp lều làm chỗ ngủ nghỉ cho công nhân; bố trí thêm 58 phòng tắm, lắp 10 máy giặt, 10 máy sấy phục vụ lao động. Khu vực ăn uống, bàn ăn được giãn cách ra hơn 2 m và lắp vách ngăn. Toàn bộ lao động được xét nghiệm PCR, những người kết quả âm tính mới vào làm việc. Công ty cũng bố trí một khu vực cách ly F0, F1; nhân viên căn tin, bảo vệ cũng ở lại nhà máy.
Bà Lê Bích Loan, Phó ban quản lý SHTP cho biết tổ thẩm định gồm đại diện cơ quan quản lý, ngành y tế đã nhiều lần xuống nhà máy Nidec Việt Nam kiểm tra và đưa ra một số góp ý như chỗ ngủ của mỗi người phải đảm bảo hơn 5 m2. Nhà máy phải lắp thêm quạt thổi để thông khí dù có máy lạnh... Bước đầu nhà máy chỉ được bố trí tối đa 500 người ăn ở, làm việc tại chỗ.
Tương tự, Công ty TNHH J.K Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7), một trong 29 doanh nghiệp phải dừng hoạt động từ ngày 11/7 do phát hiện ca nhiễm, đã bắt đầu sản xuất trở lại ngày 20/7 với sản lượng 25% so với bình thường. Lãnh đạo nhà máy cho hay sau khi bị phong tỏa, công ty đã trình phương án "vừa sản xuất, vừa cách ly" lên Ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM (Hepza). Tổ thẩm định gồm các thành viên Hepza, ngành y tế, chính quyền quận 7 đã kiểm tra, yêu cầu nhà máy lắp thêm camera giám sát ở một số khu vực để thuận tiện truy vết nếu ghi nhận ca nhiễm.
Sau khi tổ thẩm định thông qua phương án, nhà máy được gỡ phong tỏa. Trước hôm doanh nghiệp hoạt động trở lại, 300 công nhân được lấy mẫu xét nghiệm nhanh, đảm bảo những người có kết quả âm tính với nCov mới vào nơi làm việc. Ba ngày sau, tất cả lao động được xét nghiệm PCR khẳng định, sau đó việc xét nghiệm sẽ được lặp lại hàng tuần.
Công ty TNHH J.K Việt Nam đã thuê trọn một khách sạn lớn ở gần khu chế xuất để công nhân ở trước khi vào nhà máy thực hiện phương án "3 tại chỗ". Người lao động sẽ được xét nghiệm nhanh Covid-19, nếu âm tính mới vào ăn ở tại khách sạn ít nhất 3 ngày, sau đó xét nghiệm PCR khẳng định. Việc này để sàng lọc các trường hợp ủ bệnh, âm tính giả. Lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất của các nhà máy khi trở lại sản xuất là thời gian trả kết quả xét nghiệm PCR khá chậm, có khi mất 3 ngày.
"Với tốc độ lây lan nhanh của biến chủng mới, chỉ cần một ca bị phát hiện trễ, nhà máy sẽ đối mặt với nguy cơ tiếp tục đóng cửa", đại diện doanh nghiệp nói và mong sắp tới năng lực xét nghiệm PCR của thành phố được nâng cao hơn để hỗ trợ các nhà máy. Hiện, để đảm bảo an toàn, ban quản lý, tổ phòng chống Covid-19 tại doanh nghiệp liên tục kiểm tra, nhắc nhở lao động tuân thủ 5K.
Thông tin từ Ban quản lý Hepza, tính đến chiều 21/7, có 618 doanh nghiệp với hơn 57.000 lao động trong khu chế xuất, khu công nghiệp đăng ký thực hiện phương án vừa sản xuất, vừa cách ly. Đơn vị này đã phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra được 479 doanh nghiệp. 414 doanh nghiệp với hơn 44.000 người đã đáp ứng quy định được phép hoạt động; 65 nhà máy không đạt yêu cầu.
Ở Khu công nghệ cao, hiện có 16 nhà máy không được thông qua phương án vì chưa đảm bảo yêu cầu, đang tiếp tục bổ sung. Ban quản lý cũng lưu ý các doanh nghiệp chỉ nên bố trí 20-25% tổng số lao động ở lại tại chỗ để đảm bảo điều kiện giãn cách, phục vụ ăn nghỉ. Nhà máy phải hoạt động tương tự bị phong tỏa nhằm nâng cao nhất mức độ phòng dịch. Công nhân ở lại nhà máy không quá 28 ngày và phải có phương án thay thế nhóm lao động hết thời hạn.
TP HCM hiện có 1,6 triệu công nhân làm việc trong các nhà máy, riêng 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao có hơn 320.000 lao động làm việc tại gần 1.600 doanh nghiệp. Theo số liệu của tổ chức công đoàn TP HCM, đến nay hơn 3.000 công nhân nhiễm bệnh. Trước tình hình này, thành phố yêu cầu từ ngày 15/7 doanh nghiệp sản xuất phải đảm bảo phương án "vừa sản xuất, vừa cách ly". Những nhà máy không đáp ứng được phải dừng hoạt động.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay từ khi áp dụng quy định lao động ăn nghỉ và sản xuất tại chỗ, số ca nhiễm ở khu công nghiệp, khu chế xuất giảm mạnh so với trước đây. Trung bình mỗi ngày các nhà máy ghi nhận dưới chục ca so với trước đây vài trăm ca.
Lê Tuyết