Phân xưởng tạm dừng hoạt động được một ngày, khu phố nơi gia đình chị Triệu Thị Vân, công nhân Công ty TNHH Longrich Việt Nam ở Khu chế xuất Linh Trung II (TP Thủ Đức), cũng bị phong tỏa do phát hiện ca nhiễm. Không kịp dự trữ thực phẩm, nữ công nhân lo lắng những ngày sắp tới cả nhà 5 người bị đói.
Chưa biết xoay sở ra sao, chị Vân được công đoàn công ty gửi 5 ký gạo, mắm muối, sữa, rau củ... đủ cho gia đình dùng trong một tuần. "Phải nghỉ việc vì dịch nhưng tôi thấy mình còn may mắn", chị Vân nói và cho biết thêm ngoài giúp đỡ thực phẩm, công ty vẫn trả lương nên gia đình không lâm vào cảnh khốn khó.
Bà Nguyễn Thị Thùy Vân, Chủ tịch công đoàn Công ty Longrich cho hay nhà máy có hơn 4.000 công nhân lại phát hiện nhiều ca nhiễm nên không thể áp dụng sản xuất "3 tại chỗ". Doanh nghiệp dừng hoạt động từ ngày 14/7 nhưng vẫn duy trì trả lương cho người lao động cho đến nay.
"Dù gặp nhiều khó khăn khi đơn hàng bị trễ, không doanh thu nhưng nhà máy cố gắng trả mức lương tạm đủ sống để lao động an tâm ở lại thành phố", bà Vân nói và giải thích nếu theo quy định, ở 14 ngày đầu, doanh nghiệp chỉ cần trả 70% lương cơ bản nhưng công ty trả đủ 100%. Ngoài ra, nhà máy còn hỗ trợ lương thực cho công nhân gặp khó khăn, sống ở khu phong tỏa, giúp họ gắn kết công ty trong những ngày dịch.
Tương tự, nhà máy dừng sản xuất hơn hai tháng qua nhưng gần 800 lao động của Công ty cổ phần thiết bị nhà bếp Vina ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú) vẫn được trả đủ lương. "Nếu không có thu nhập công nhân sẽ khó bám trụ lại thành phố", ông Nguyễn Mạnh Dũng, Tổng giám đốc công ty nói và cho biết doanh nghiệp chuẩn bị kinh phí để trả lương cho người lao động trong 4 tháng nếu dịch kéo dài, sản xuất chưa phục hồi.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, toàn ngành có hơn 2.000 doanh nghiệp với 1,5 triệu lao động. Ở đợt bùng phát dịch lần thứ tư, hơn 90% nhà máy phải dừng hoạt động, gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng hỗ trợ một phần thu nhập cho công nhân.
"Tuy nhiên, chỉ hỗ trợ lương sẽ không đủ để giữ chân lao động. Điều họ cần là sớm được tiêm hai liều vaccine, quay lại nhà máy làm việc và nhận đủ lương đảm bảo cuộc sống của gia đình", bà Xuân nói và cho biết từ tháng 5 Lefaso cùng 3 hiệp hội khác là Dệt may; Doanh nghiệp Điện tử; Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM chủ động tìm nguồn cung vaccine để tiêm cho người lao động.
Theo lãnh đạo Lefaso, nhiều nhà máy phải vay tiền, sử dụng vốn sản xuất để duy trì lương cho lao động. Nhưng nếu dịch kéo dài nhà máy sẽ khó trụ được nên cần được tiếp sức. Doanh nghiệp mong được hỗ trợ chi phí mặt bằng, điện, nước, dừng đóng kinh phí công đoàn hết năm 2021, giảm lãi suất, giãn thời gian trả gốc, lãi vay ngân hàng của năm nay và năm sau.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng dự báo thị trường lao động sau dịch nhiều biến động, tuyển dụng sẽ khó khăn. Do đó, việc duy trì trả lương, hỗ trợ nhu yếu phẩm trong bối cảnh dừng sản xuất giúp nhà máy giữ chân lao động. "Việc này còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp, nếu để công nhân về quê tự phát sẽ khiến dịch dễ lan rộng", ông Hiểu nói.
Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần thiết bị nhà bếp Vina, doanh nghiệp nào cũng muốn giữ lao động bởi khi dịch được khống chế, để tái sản xuất cần ít nhất 3 yếu tố con người, vốn và thị trường. Nếu để công nhân về quê hay chuyển công việc khác, nhà máy sẽ gặp khó khăn khi vận hành trở lại.
Ở đợt bùng phát dịch lần thứ tư, TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai với hơn 4 triệu công nhân nhưng chỉ có khoảng 400.000 lao động sản xuất với hình thức "3 tại chỗ" được nhận đầy đủ lương, các khoản phụ cấp. Số còn lại phải tạm nghỉ việc, chấp nhận giảm thu nhập, đời sống khó khăn, nhiều người phải về quê.
Lê Tuyết