Chiều 24/8, ông Phạm Thanh Trực, Phó ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM (Hepza) cho biết danh sách các mặt hàng như gạo, trứng, sữa, thịt cá, rau củ... kèm bảng giá chi tiết được nhà cung cấp gửi cho các nhà máy. Trong ngày đầu tiên, hơn 40 nhà máy đăng ký Hepza và Sở Công thương "đi chợ hộ", đơn hàng cao nhất gần 20 triệu đồng.
Doanh nghiệp có nhu cầu mua lương thực, thực phẩm đăng ký trước 10h thứ 3, thứ 7 hàng tuần về văn phòng Hepza. Các đơn hàng sẽ được bộ phận phụ trách tổng hợp gửi lên Sở Công thương điều phối, hàng hóa được đưa về doanh nghiệp vào sáng hôm sau.
Bên cạnh đó, một số nhà máy cũng chủ động dự trữ lương thực khi nhận thông tin thành phố siết chặt đi lại để chống dịch. Bà Trịnh Thị Thu Hiền, phụ trách hậu cần cho nhà máy Công ty cổ phần cơ khí Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh cho hay, doanh nghiệp đã mua 400 ký gà trống, 5 tạ thịt heo, bao trọn gói một ao cá, tìm đầu mối cung cấp rau ở Đăk Lăk, 11.500 quả trứng, gần 12.000 gói mì, 2.000 cây xúc xích, gần 3,5 tấn gạo... phục vụ gần 1.000 lao động ăn ở, làm việc tại nhà máy.
Bà Hiền cho biết thêm, ngoài Hepza, chính quyền xã Phạm Văn Hai, nơi doanh nghiệp trú đóng cũng gửi thông báo giúp đỡ nhà máy mua thực phẩm nếu có nhu cầu. Phía sở Công thương tạo điều kiện cho các nhà cung cấp hàng thiết yếu cho bếp ăn doanh nghiệp được đi lại, đảm bảo hoạt động của nhà máy không bị gián đoạn vì thiếu lương thực, thực phẩm.
Trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao hiện có hơn 720 nhà máy trong với hơn 60.000 lao động áp dụng mô hình "3 tại chỗ", hoặc "một cung đường – 2 điểm đến" (chỉ duy nhất tuyến đường chở tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở). Từ sau ngày 23/8, các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, song không được phép thay đổi nhân sự, trừ trường hợp cấp cứu. Các phương án thay thế cho mô hình "3 tại chỗ" như "4 xanh" không áp dụng.
Lê Tuyết