5 ngày trước, Công ty TNHH Juki Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) nhận được hướng dẫn của Ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM (Hepza) về phương án sản xuất "4 xanh" tức bảo đảm phòng dịch cho lao động, nơi ở, làm việc và di chuyển. Sau hơn 2 tháng thực hiện "3 tại chỗ" cho gần 400 công nhân ăn nghỉ, làm việc tại phân xưởng, quy mô sản xuất chỉ còn 30%, nhà máy muốn mở rộng để tăng sản lượng, đáp ứng tiến độ các đơn hàng. Tuy nhiên sau khi đọc kỹ văn bản, lãnh đạo doanh nghiệp thấy khó thực hiện.
Giám đốc Hành chính Đào Quốc Cường cho biết, nhà máy đang thực hiện "3 tại chỗ", nếu tăng số lượng lao động lên theo phương án "4 xanh" sẽ phải tách biệt nơi sản xuất, ăn nghỉ của hai nhóm công nhân. Theo hướng dẫn của Hepza, tổng số lao động làm theo các hình thức tại doanh nghiệp không vượt quá 50% tổng số nhân sự.
"Như vậy chúng tôi chỉ được tăng thêm 20% nhưng không bền vững", ông Cường nói và cho hay "người lao động xanh" tức có thẻ xanh Covid, sống ở "vùng xanh" được đi làm, nhưng nơi ở của họ có thể chuyển thành "vùng đỏ" do thành phố đang xét nghiệm diện rộng đến 30/9. Khi đó nhà máy sẽ mất lao động. Ngoài ra, diễn biến dịch ở cộng đồng đang phức tạp nhưng lại yêu cầu trong vòng 7 ngày nhà máy không có F0 là rất khó.
Ông Cường cho rằng từ những điều kiện như vậy phương thức sản xuất "3 tại chỗ" khó mà ngưng ngay. Do đó mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhanh chóng phục hồi sản xuất không thể triển khai trong tương lai gần.
Cùng ở Khu chế xuất Tân Thuận, nơi được Hepza cho phép thí điểm sản xuất theo phương thức "4 xanh", Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam Inc (FAPV) đang cân nhắc trước các yêu cầu của cơ quan quản lý. Mấy ngày qua bộ phận nhân sự và cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tập trung đẩy dữ liệu tiêm vaccine của gần 4.000 công nhân lên phần mềm "Y tế TP HCM" để được cơ quan quản lý xem xét cấp thẻ xanh Covid.
Theo ông Hoàng Xuân Thái, Chủ tịch công đoàn công ty, hiện có nhiều ứng dụng quản lý sức khỏe, tiêm vaccine cho người dân nhưng không liên thông nên quản lý nhà máy phải gọi cho từng người để thống kê. Thời gian thí điểm phương án "4 xanh" từ 16-30/9 nhưng đã mất 5 ngày để đọc, nghe hướng dẫn, nhập liệu.
Trong các tiêu chí mà Hepza đưa ra, theo ông Thái, doanh nghiệp thấy khó nhất là yêu cầu "không phát sinh ca nhiễm trong 7 ngày gần nhất". Nhà máy có hơn 7.000 lao động nên xác suất có ca nhiễm sẽ cao hơn những nhà máy 70 hay 700 người. "Cần đưa ra một tỷ lệ nhất định để các nhà máy có thể đáp ứng và phấn đấu, chứ trong bối cảnh này yêu cầu số ca nhiễm phát sinh bằng 'zero' không khả thi", ông Thái nói.
Công ty cổ phần Kềm Nghĩa có nhà máy đặt ở Khu công nghiệp Tân Phú Trung thuộc huyện Củ Chi, địa phương đã kiểm soát được dịch và đang thí điểm mở cửa từng bước. Ông Trần Minh Tú, Giám đốc điều hành công ty, cho hay doanh nghiệp đang xây dựng phương án sản xuất "4 xanh" để gửi đến cơ quan quản lý thẩm định do có hơn 900 trong tổng số 1.500 lao động tiêm đủ 2 liều vaccine.
"Chúng tôi còn băn khoăn về tiêu chí "cung đường xanh" bởi người lao động đi làm có thể ngang qua vùng đỏ, cam. Do đó cần có hướng dẫn chi tiết hơn để dễ thực hiện", ông Tú nói. Sau thời gian nghỉ dài ngày doanh nghiệp mong được tạo điều kiện để quay lại sản xuất, đảm bảo các đơn hàng bị ngưng trệ.
Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM (HBA) Nguyễn Văn Bé cho biết, 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao của thành phố có gần 1.600 doanh nghiệp với hơn 320.000 lao động. Hiện, hơn 820 nhà máy dừng hoạt động, gần 245.000 công nhân phải tạm nghỉ việc. Số khác đang thực hiện phương án "vừa sản xuất, vừa cách ly" nhưng hầu hết gặp khó khăn. Do đó, các nhà máy rất cần các phương thức sản xuất thay thế mô hình "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường – 2 điểm đến".
"Cơ quan quản lý muốn kiểm soát dịch ở mức cao nhất nhưng cần tính khả năng đáp ứng của các nhà máy để có hướng dẫn phù hợp", ông Bé nói.
Theo lãnh đạo HBA, hiện chi phí xét nghiệm là gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp, có nơi tiêu tốn hàng tỷ đồng trong vài ngày. Trước đây, khi vaccine chưa được "phủ" hết nên yêu cầu các doanh nghiệp xét nghiệm hàng tuần hoặc định kỳ 3 ngày/lần đối với một số nhóm nguy cơ cao là hợp lý. Tuy nhiên, khi lao động đã được cấp thẻ xanh Covid-19, đi lại, ăn ở, nơi sản xuất đảm bảo an toàn thì cần nới lỏng, xét nghiệm sàng lọc theo tỷ lệ nhất định.
Đại diện nhà máy Juki cho rằng quan điểm của Chính phủ là không thể tránh khỏi phát sinh F0, sống cùng với dịch nên phải chấp nhận thời điểm nào đó nhà máy có thể phát hiện ca nhiễm. Ca bệnh ở chỗ nào xử lý chỗ đó, các chuyền khác được tạo điều kiện hoạt động. "Tiêm đủ 2 liều vaccine nguy cơ bệnh chuyển nặng đã giảm do đó cần tạo điều kiện tốt nhất để phục hồi lại sản xuất, nếu không cả doanh nghiệp, người lao động rất khó khăn", ông Cường nói.
Phó ban quản lý Hepza Phạm Thanh Trực cho hay khi xây dựng các tiêu chí để hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng chống dịch, đơn vị phải dựa trên các quy định của ngành y tế, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP HCM. Mới triển khai nên Hepza chưa nhận phản hồi của doanh nghiệp, hầu hết các nhà máy đang tìm hiểu, theo dõi các địa bàn được công bố vùng xanh của địa phương để xây dựng phương án cụ thể.
TP HCM hiện có 1,2 triệu công nhân làm việc tại các nhà máy. Từ ngày 15/7, theo yêu cầu của chính quyền thành phố, nhà máy không đảm bảo yêu cầu phòng dịch phải dừng hoạt động. Thống kê của Liên đoàn lao động TP HCM, đến ngày 15/9, hơn 10.600 doanh nghiệp vừa cách ly vừa sản xuất tại chỗ với gần 14.000 người ở lại nhà máy.
Lê Tuyết