Ngày 14/5, UBND tỉnh Hậu Giang phát đi thông báo về kết quả điều tra nguyên nhân xảy ra bốn đợt ô nhiễm môi trường trên sông Cái Lớn và các tuyến kênh ở huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ từ ngày 22/3 đến 2/5.
Kết quả xác minh cho thấy nước bị ô nhiễm hữu cơ bởi các nguồn thải dọc sông Cái Lớn. Trong đó, nguyên nhân chính là từ hoạt động xả thải của nhà máy thuộc Công ty mía đường cồn Long Mỹ Phát trên địa bàn thị xã Long Mỹ.
UBND Hậu Giang chỉ đạo công an tỉnh xem xét, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường của công ty này; đồng thời yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra toàn diện việc bảo vệ môi trường tại nhà máy đường.
Chính quyền tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu hai địa phương bị ảnh hưởng khẩn trương thống kê các thiệt hại do ô nhiễm trình lên hội đồng chuyên môn xem xét, có phương án giải quyết.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hậu Giang, kết quả quan trắc nước mặt đoạn sông Cái Lớn có nhiều chỉ số đã vượt quy định. Cụ thể, thông số chất rắn lơ lửng, lượng oxy cần để oxy hóa toàn bộ các chất hóa học trong nước vượt quy định 1,6 - 4,4 lần. Riêng hàm lượng oxy hòa tan trong nước rất thấp, dao động 0 - 0,7 mg/l, trong khi quy định từ 5 mg/l trở lên.
Khu vực bị ô nhiễm có các nguồn thải từ cơ sở xay lúa, giết mổ, chăn nuôi, nước thải đô thị... Tuy nhiên, hầu hết cơ sở này có lưu lượng xả thải thấp, không liên tục, phân tán. Nơi có nguồn xả thải công nghiệp lưu lượng lớn là Công ty mía đường cồn Long Mỹ Phát.
Trước đó, nước sông Cái Lớn chảy qua tỉnh Hậu Giang ngả màu đen ngòm, kèm mùi hôi thối khiến thủy sản tự nhiên và nuôi trong bè chết hàng loạt. Nhà máy nước cũng không thể lấy xử lý để phục vụ 6.000 hộ dân. Nhiều xe bồn được huy động chở nước sạch từ nơi khác về cung cấp cho dân.
Sông Cái Lớn dài khoảng 60 km, bắt nguồn từ huyện Long Mỹ (Hậu Giang), chảy theo hướng Tây - Bắc qua các huyện Gò Quao, Vĩnh Thuận, An Biên, Châu Thành và đổ ra vịnh Rạch Giá, thuộc tỉnh Kiên Giang.
Cửu Long