Đây là lần thứ hai chủ đầu tư xin lùi tiến độ dự án này. Theo cam kết cuối năm 2019 với lãnh đạo Hà Nội, nhà máy sẽ hoàn thành vào tháng 8/2020, chính thức vận hành vào tháng 10/2020.
Ngày 4/3, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, đại diện Công ty CP năng lượng Thiên Ý, giải thích nguyên nhân xin lùi tiến độ do cuối tháng một, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Hà Nội và Hải Dương. Công trường dự án ghi nhận một người là F1 của ca bệnh ở Hải Dương nên hơn 1.300 công nhân nghỉ việc. Hiện công trường chỉ có khoảng 280 trên tổng số 1.500 công nhân làm việc. Ngoài ra, cũng do dịch Covid-19, nhiều chuyên gia Trung Quốc của dự án không thể sang Việt Nam.
"Chúng tôi đang cố gắng đến tháng 5 có thể tiếp nhận rác. Đây sẽ là lần xin lùi tiến độ cuối cùng", bà Vân nói và cho hay hiện nhà máy đã hoàn thành 80% khối lượng xây dựng.
Dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn, được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương từ năm 2017, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng.
Nhà máy được giới thiệu "sử dụng công nghệ đốt rác châu Âu", công suất đốt 4.000 tấn rác mỗi ngày, thu 75 MW điện mỗi giờ. Khi đi hoạt động, nhà máy dự kiến sẽ xử lý hơn 2/3 số rác của toàn TP Hà Nội.
Phát biểu tại cuộc họp hôm 2/3, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đánh giá, việc sớm vận hành nhà máy sẽ góp phần xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Lãnh đạo TP yêu cầu chủ đầu tư tiếp nhận rác đúng cam kết và vận hành hết công suất xử lý rác.
Mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 6.500 tấn rác sinh hoạt, được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp tại hai bãi Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (khoảng 5.000 tấn) và bãi Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây (khoảng 1.200 tấn), còn lại xử lý lại một số lò đốt rác nhỏ. Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Hà Nội, hiện hai bãi chôn lấp của thành phố đang trong tình trạng quá tải.
Tất Định