Sai phạm này được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an nêu trong kết luận điều tra vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành.
Trong 12 người bị đề nghị truy tố có 2 cựu lãnh đạo thuộc Bộ Công Thương là cựu thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng và cựu Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo Phương Hoàng Kim. Hai ông bị cáo buộc sai phạm "vì vụ lợi", cố ý để doanh nghiệp được bán điện giá ưu đãi, khiến EVN thiệt hại hơn 937 tỷ đồng.
Liên quan vụ án, Bộ Công an còn nêu 3 nhóm sai phạm tại Dự án Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh, ở tỉnh Bình Phước, liên quan 10 cựu cán bộ thuộc EVN, Bộ Công thương và Cục thuế tỉnh này.
Nhà chức trách xác định, tháng 11/2018, dự án Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước được phê duyệt vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, gồm 5 nhà máy 1,2,3,4,5. Địa điểm được duyệt là 160 ha đất thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH Tân Tiến, tại xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh.
Cuối năm 2020, Công ty Cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 báo cáo "không thực hiện được thỏa thuận đền bù tài sản trên đất" với Công ty Tân Tiến. Lộc Ninh 3 do đó đề nghị được chấp thuận vị trí mới, tại xã Lộc Tấn, diện tích 150 ha đất rừng sản xuất thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh.
Hai công ty san ủi và nhận bàn giao mặt bằng để xây dựng Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3, hoàn thành xây dựng ngày 15/12/2020.
4 ngày trước đó, Lộc Ninh 3 đã gửi hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến đề nghị Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương cấp Giấp phép hoạt động điện lực.
Bị can Trịnh Văn Đoàn, khi đó là Chuyên viên Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, được giao nhiệm vụ thẩm định. Hồ sơ gồm các quyết định ghi rõ địa điểm dự án được duyệt tại xã Lộc Thạnh. Trong khi các tài liệu thực tế xây dựng lại thể hiện địa điểm nhà máy tại xã Lộc Tấn.
Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, dù có sự mâu thuẫn về thông tin địa điểm dự án, ông Đoàn vẫn ký đề xuất cấp Giấy phép hoạt động cho Lộc Ninh 3. Cùng ngày, Trần Quốc Hùng, khi đó là Phó phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng thẩm định lại, duyệt rồi gửi cùng hồ sơ đến Phòng Pháp chế, Cục Điều tiết điện lực.
Ngày 18/12/2020, Lộc Ninh 3 được Cục trưởng Điều tiết điện lực duyệt, ký Giấy phép hoạt động. Bộ Công an đánh giá việc này "vi phạm quy định điều kiện cấp phép hoạt động điện lực".
Lộc Ninh 3 dùng Giấy phép để đề nghị và được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) là 26/12/2020.
Theo Quyết định 21/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, các nhà máy điện mặt trời có COD trước ngày 31/12/2020, đủ điều kiện, sẽ được EVN mua điện với giá ưu đãi. Lộc Ninh 3 đã kịp được công nhận COD chỉ 5 ngày trước khi "giá ưu đãi" này hết hạn.
Kết luận điều tra cho rằng theo quy định, mỗi số điện (kwh) của Lộc Ninh 3 chỉ được phép bán cho EVN với giá không quá 1.184,90 đồng. Do sai phạm của các bị can, Lộc Ninh 3 đã được EVN mua với giá 1.644 đồng, cao hơn 459,1 đồng, tương đương 27,92%.
Bộ Công an xác định, tháng 12/2020-11/2022, Tổng công ty Mua bán điện EVN đã trả gần 750 tỷ đồng để mua điện của Lộc Ninh 3. Thiệt hại được tính là 27,92% của số tiền này, tức hơn 209 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cáo buộc để Lộc Ninh 3 được cấp Giấy phép và công nhận COD dù không đủ điều kiện, là có các sai phạm của 6 bị can là cựu cán bộ của Bộ Công Thương. Cụ thể, trong sai phạm cấp Giấy phép, lỗi thuộc về bị can Trần Quốc Hùng, cựu phó trưởng Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực và chuyên viên Trịnh Văn Đoàn.
6 người này bị cáo buộc "biết rõ" Lộc Ninh 3 được cấp phép một nơi, song xây một nẻo, không đủ điều kiện được cấp Giấy phép hoạt động và công nhận COD nhưng vẫn sai phạm "vì muốn tạo lợi ích không chính đáng" cho doanh nghiệp này.
Trong sai phạm công nhận COD, lỗi thuộc về 4 bị can thuộc Công ty Mua bán điện EVN, gồm ông Nguyễn Danh Sơn, cựu giám đốc; Nguyễn Hữu Khải, cựu Trưởng Phòng kinh doanh mua điện; Đỗ Ngọc Tuyền, cựu chuyên viên Phòng Kinh doanh mua điện và Trương Hoàng Dũng, cựu chuyên viên Phòng Kỹ thuật và Công nghệ thông tin.
Dự án vi phạm Luật Đầu tư vẫn được hoàn thuế
Nhóm sai phạm thứ 3 trong dự án Lộc Ninh 3 được chỉ ra trong kết luận điều tra, là việc hoàn thuế sai quy định cho doanh nghiệp này hơn 145 tỷ đồng. Hành vi liên quan 4 cựu cán bộ cục Thuế tỉnh Bình Phước.
Do dự án được phê duyệt tại xã Lộc Thạnh song lại được xây trên diện tích 150 ha đất xã Lộc Tấn, cơ quan điều tra kết luận "đất này không được các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất công trình năng lượng". Điều này đồng nghĩa không được cấp phép xây dựng; không được ra quyết định chủ trương đầu tư.
Do đó, việc xây dựng Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 là "vi phạm Luật Đầu tư", không thuộc trường hợp được hoàn thuế.
Song tháng 4/2021, khi công ty gửi hồ sơ đề nghị Cục Thuế tỉnh Bình Phước hoàn trả hơn 145 tỷ đồng tiền thuế GTGT từ việc đầu tư, xây dựng dự án, vẫn được hoàn trả 145 tỷ đồng. Số tiền này được Bộ Công an tính là thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Cùng với 937 tỷ đồng trong sai phạm liên quan cựu Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng và 209 tỷ đồng thiệt hại trong sai phạm cấp Giấy phép và công nhận COD, tổng thiệt hại của vụ án hiện là 1.291 tỷ đồng.
Hiện 8 bị can đã nộp khắc phục hậu quả tổng 1,81 tỷ đồng. Trong đó cựu thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nộp 1,5 tỷ đồng và cựu chuyên viên công ty mua bán điện EVN Đỗ Ngọc Tuyền 30 triệu đồng. Đây thực tế là số tiền họ được doanh nghiệp biếu trước đó, nay nộp lại.
Trong Kết luận thanh tra 3166/TB-TTCP, liên quan vụ án, Thanh tra Chính phủ xác định các vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất dự án nêu trên thuộc về 3 đơn vị: UBND tỉnh Bình Phước, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh và Công ty Cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3.
Theo đó, Cao su Lộc Ninh đã vi phạm quy định về nghĩa vụ của người sử dụng đất vì đã để Lộc Ninh 3 sử dụng đất rừng sản xuất để xây dựng.
UBND tỉnh Bình Phước sau đó giải trình tại văn bản số 46/UBND-TH ngày 16/2/2023 về việc đã ra quyết định xử phạt hành chính Lộc Ninh 3. Công ty đã nộp phạt.
Tỉnh cho biết, diện tích sử dụng đất của Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 tại vị trí hiện tại đảm bảo phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020 của tỉnh Bình Phước và Quy hoạch sử dụng đất huyện Lộc Ninh đến năm 2020.
Kết luận điều tra vụ án của Bộ Công an không đề cập trách nhiệm của 3 đơn vị này.
Thanh Lam