Ông Hoàng Quốc Vượng, 61 tuổi, cựu Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cựu thứ trưởng Công Thương, vừa bị Bộ công an đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự.
Bị đề nghị truy tố cùng tội danh còn có ông Phương Hoàng Kim, cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương.
Vụ án được phát hiện thế nào?
Ngày 21/2/2023, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an xem xét, điều tra, làm rõ để xử lý 8 nhóm hành vi vi phạm pháp luật liên quan Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, gồm: việc tham mưu đối tượng, điều kiện được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận về cơ chế chính sách phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; tham mưu đối tượng, điều kiện được áp dụng giá FIT 7,09 US cents/kWh; đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió trên đất Quy hoạch dự trữ khoáng sản Quốc gia tại tỉnh Bình Thuận và việc đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời chồng lấn lên đất Quy hoạch thủy lợi cấp Quốc gia tại tỉnh Ninh Thuận....
Trong quá trình giải quyết các kiến nghị này, cùng vụ việc, Bộ Công an còn tiếp nhận tin từ 3 nguồn tin liên quan, gồm: Ban Nội chính Trung ương, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và một nguồn tin nặc danh về sai phạm liên quan tại Công ty Mua bán điện thuộc EVN.
Bộ Công an cho hay nguồn tin nặc danh đã cung cấp thông tin về sai phạm "liên quan việc công nhận ngày vận hành thương mại của một số dự án điện mặt trời và thành lập công ty "sân sau" để tạo đường dây làm ăn và đứng ra giao dịch với các chủ đầu tư, nhà thầu...".
Cựu thứ trưởng bị cáo buộc giúp doanh nghiệp bán điện giá cao
Năm 2016, tỉnh Ninh Thuận được phê duyệt tổng 32 dự án Nhà máy điện mặt trời.
Kết luận điều tra nêu, năm 2017, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam đề xuất bổ sung Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận song không được Bộ Công Thương chấp thuận.
Tháng 8/2018, Thủ tướng ban hành Nghị quyết 115 về chính sách đặc thù về giá điện với tỉnh này. Bộ Công Thương lập tổ soạn Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Tổ gồm 26 thành viên, trong đó bị can Phương Hoàng Kim khi đang đương chức Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương làm Tổ trưởng. 25 cán bộ thuộc Bộ Công Thương, EVN, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Dự thảo sau đó được gửi về các đơn vị trên để lấy ý kiến, dù chưa có nội dung về cơ chế giá điện đặc thù áp dụng đối với tỉnh Ninh Thuận. Vụ pháp chế Bộ Công Thương đề nghị bổ sung.
Theo chỉ đạo của ông Phương Hoàng Kim, hai cán bộ dưới quyền đã bổ sung, nội dung: giá bán điện từ các dự án điện mặt trời là 2.086 đồng/kWh chưa VAT (tương đương với 9,35 US cents/kWh). Giá này chỉ áp dụng cho các dự án vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021, tổng công suất không quá 2.000 MW và phải được Thủ tướng chấp thuận triển khai, đúng theo Nghị quyết 115.
Cơ quan điều tra cho rằng ông Kim không bổ sung nội dung này nhưng đã gửi báo cáo và đăng tải lên Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương để lấy ý kiến.
Tháng 4/2019, hai cấp dưới của ông Kim tiếp tục báo cáo về nội dung trên. Ông Hoàng Quốc Vượng, khi đó là Thứ trưởng Bộ Công Thương, bị cáo buộc chỉ đạo thay đổi nội dung này theo hướng mở rộng đối tượng được ưu đãi giá điện, không riêng là các dự án được Thủ tướng chấp thuận theo Nghị quyết 115, mà là tất cả dự án điện mặt trời nối lưới "đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp".
Kết luận điều tra nêu, cấp dưới của Thứ trưởng Vượng sau đó đã góp ý: Nếu đúng tinh thần Nghị quyết 115 chỉ các dự án được phê duyệt trước 31/8/2018 (ngày ký Nghị quyết) và vận hành trước 1/1/2021 mới được hưởng giá điện ưu đãi.
Ông Vượng do đó gạch cụm từ "đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp" để sửa lại. Nhưng cấp dưới tiếp tục góp ý, nếu gạch cụm từ này, đối tượng hưởng ưu đãi còn bị mở rộng hơn nữa - các dự án không có trong quy hoạch phát triển điện lực cũng được bán điện với giá ưu đãi.
Vì thế, Bộ Công Thương giữ nguyên nội dung Dự thảo như ý ban đầu của ông Vượng: "Giá bán điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước1/1/2021 tổng công suất không quá 2.000 MW là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT, tương đương với 9,35 US cents/kWh...)".
Vài ngày sau, nội dung này của dự thảo tiếp tục bị Vụ Pháp chế Bộ Công Thương thắc mắc: Vậy các dự án được Thủ tướng chấp thuận sau Nghị quyết 115 hoặc các dự án không phải do Thủ tướng mà do Bộ Công Thương chấp thuận có được hưởng giá ưu đãi không? Vụ Pháp chế đề nghị lý giải.
Hai ngày sau, Bộ Tư pháp phản hồi: Dự thảo "chưa đủ điều kiện trình Thủ tướng".
Bộ Công an cáo buộc, trước việc này ông Hoàng Quốc Vượng tiếp tục gạch bỏ cụm từ "được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai" trong dự thảo. Điều này đồng nghĩa, bất cứ dự án điện mặt trời nào có tổng công suất 2.000 MW trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, dù không được Thủ tướng chấp thuận vẫn được hưởng giá ưu đãi 2.086 đồng/kWh.
Cơ quan điều tra xác định, đến 31/8/2018, tại Ninh Thuận có tới 32 dự án điện mặt trời, tổng quy mô công suất 2/078 MW nhưng Bộ Công Thương lại báo cáo chỉ có 30 dự án, tổng công suất 1.927 MW.
Dự thảo dù chưa được Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, EVN có ý kiến nhưng tháng 6/2019, ông Vượng vẫn giữ nguyên các nội dung về giá điện ưu đãi.
Góp ý với Dự thảo sau đó, EVN đề nghị Bộ Công Thương công bố luôn danh sách các dự án được hưởng giá ưu đãi, song Bộ Công Thương phản hồi: Việc công bố danh sách dự án là không phù hợp, vì phụ thuộc vào tiến độ triển khai và công nhận ngày vận hành thương mại (COD) của các dự án.
Kết luận điều tra nêu, dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam của Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam, từ năm 2017 đã xin bổ sung vào quy hoạch điện lưới tỉnh Ninh Thuận song không được chấp thuận. Tháng 10/2019, tỉnh tiếp tục báo cáo, nếu chấp thuận dự án Trung Nam - Thuận Nam sẽ vượt quá quy mô tại Nghị quyết 115. Tỉnh đề xuất cho dự án này vào quy hoạch để hưởng cơ chế bán điện giá ưu đãi. Ông Vượng tiếp nhận đề xuất này và đệ trình.
Tháng 1/2020, Dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam chính thức được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch điện.
Sau khi dự thảo do ông Vượng chỉnh nội dung được thông qua, trở thành Quyết định chính thức và vẫn giữ các nội dung mà ông Vượng đệ trình. Ninh Thuận chính thức được phê duyệt 30 dự án điện mặt trời theo giá ưu đãi.
Bộ Công an xác định 2 dự án trong số này không đủ điều kiện là: Dự án Nhà máy điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải và Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam.
Từ tháng 7/2020 đến 1/2023, EVN đã mua điện và thanh toán cho hai nhà máy điện mặt trời này hơn 3.300 tỷ đồng với giá ưu đãi, gây thiệt hại hơn 937 tỷ đồng, theo kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.
Bộ Công an cho rằng hai nhà máy không đủ điều kiện nhưng được mua giá ưu đãi, kéo theo hai nhà máy khác lại không được chấp thuận dù đủ điều kiện.
Cơ quan điều tra xác định để xảy ra sai phạm, ông Vượng đã "vì động cơ vụ lợi", tạo cơ chế cho Trung Nam - Thuận Nam, lợi dụng chức vụ quyền hạn, "cố ý xin cơ chế giá" ưu đãi cho dự án này.
Mặt khác, ông bị cáo buộc "cố ý điều chỉnh câu chữ, thay đổi diện đối tượng được hưởng chính sách giá điện ưu đãi", không đúng Nghị quyết số 115. Dự án Trung Nam - Thuận Nam do đó đã được vào diện được hưởng giá điện ưu đãi.
Ông Kim bị cáo buộc cũng "vì động cơ vụ lợi, tạo điều kiện không chính đáng" để doanh nghiệp được bán điện giá ưu đãi. Là tổ trưởng tổ soạn thảo Dự thảo, ông bị cáo buộc cố ý không chỉ đạo các đơn vị liên quan soạn dự thảo đúng tinh thần Nghị quyết 115; biết dự thảo có nội dung không đúng Nghị quyết 115 nhưng cố ý không báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương.
Quá trình điều tra, ông Vượng khai đã nhận của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam số tiền 1,5 tỷ đồng. Gia đình ông đã nộp toàn bộ số tiền trên để khắc phục hậu quả. Khi khám xét chỗ ở của ông này, cơ quan điều tra phát hiện 1.498 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng, đã tạm giữ.
Vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố bị khởi tố cuối tháng 6/2023. Trong bản kết luận điều tra bổ sung ra đầu tháng 9, Bộ Công an giữ nguyên đề nghị truy tố 12 cựu cán bộ thuộc Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN và cựu cán bộ tỉnh Bình Phước do loạt sai phạm liên quan các dự án nhà máy điện, thuộc Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.
Trong số này hai cựu lãnh đạo thuộc Bộ Công Thương gồm cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng và cựu Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo, Phương Hoàng Kim bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự.
Hai người bị cáo buộc, trong thời gian đương nhiệm, "vì động cơ vụ lợi" đã cố ý để doanh nghiệp được bán điện giá ưu đãi, khiến EVN thiệt hại hơn 937 tỷ đồng.
Bộ Công an cho biết quá trình điều tra, ông Vượng thành khẩn khai báo, thành khẩn nhận tội, đã nộp lại 1,5 tỷ đồng được doanh nghiệp tặng; có nhiều thành tích được Đảng, nhà nước ghi nhận, được xem xét là tình tiết giảm nhẹ.
Thanh Lam