Liên tục nhận cuộc gọi đòi nợ với những lời khó nghe khiến nhân viên trực tổng đài của Công ty TNHH Long Rich Việt Nam ở Khu chế xuất Linh Trung II căng thẳng. Sáng sớm, điện thoại bắt đầu reo. Máy vừa được nhấc lên, đầu dây bên kia xưng người của công ty mua bán nợ, yêu cầu nhà máy hợp tác đưa công nhân vay tiền ra gặp, trả cả gốc lãi. Nếu không phối hợp, bên đòi nợ sẽ đăng thông tin nhà máy lên diễn đàn, mạng xã hội và cho người đến quấy phá.
Những cuộc gọi kéo dài từ sáng đến khuya khiến công ty không thể nhận cuộc gọi từ đối tác, khách hàng. Không chỉ số tổng đài bị quấy phá, điện thoại cá nhân của cán bộ công đoàn, phòng hành chính nhân sự, hotline tuyển dụng đều bị những người đòi nợ gọi liên tục. Nhiều lao động muốn liên lạc xin việc không thể gọi được vì các số liên tục bận.
Bà Nguyễn Thị Thùy Vân, Chủ tịch công đoàn Công ty Long Rich, nói nhà máy có gần 5.000 lao động, gần 30% dính tín dụng đen, vay tiền từ các app (ứng dụng). Nhiều công nhân chỉ vay 10 triệu đồng nhưng sau vài tháng gốc lãi đã lên 100 triệu đồng. Họ trả được một thời gian, không gồng nổi nên bỏ số điện thoại để trốn nợ. Không tìm được người vay, nhóm cho vay tấn công nhà máy. Không chỉ gọi điện chửi bới, nhóm đòi nợ còn ghép hình đăng lên mạng xã hội, vu khống cán bộ công đoàn, nhân viên nhân sự là trùm lừa đảo.
Chung cảnh ngộ, chị Bích Hiền, phụ trách tuyển dụng tại Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (ở quận Bình Tân), nói rằng những cuộc gọi thúc ép nhà máy hợp tác đòi nợ công nhân kéo dài đến 1-2 giờ sáng. Mỗi ngày nhà máy nhận gần 70 cuộc gọi, vài chục email vu khống công ty cấu kết công nhân giật nợ.
Có lần chị Hiền trả lời nhầm số, đầu dây bên kia chửi bới nặng nề rồi gọi ngay cho chồng chị đe dọa tiếp. Bên đòi nợ còn đọc được tên các thành viên trong gia đình, địa chỉ trường học của các con và tuyên bố nếu công nhân không trả hết nợ sẽ "xử từng người", kéo đến nhà máy căng băng rôn, đăng thông tin lên mạng.
Thông tin từ công đoàn, nhà máy có khoảng 400-500 công nhân vay tiền lãi quá cao, mất khả năng trả nợ. Nhiều người đổi số điện thoại, nghỉ việc, số khác cố gắng bám trụ tuy nhiên luôn trong trạng thái bất an, năng suất lao động không đảm bảo.
"Công việc của nhà máy bị ảnh hưởng nhiều", chị Hiền nói. Phòng nhân sự vừa đăng thông báo tuyển dụng lên mạng kèm điện thoại liên hệ, ngay lập tức số này bị nhóm đòi nợ gọi từ sáng đến chiều. Nhiều người quá mệt mỏi đã cài chế độ chặn toàn bộ số lạ. Tuy nhiên việc này lại khiến lao động tìm việc không liên lạc được, công tác tuyển dụng càng gặp khó.
Ông Phạm Thế Toàn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), cho hay nhà máy đang thiếu hơn 500 lao động, rất mong ứng viên liên lạc. Thế nhưng giờ đây thấy số điện thoại lạ gọi đến ông không dám bắt máy vì sợ gặp bên đòi nợ công nhân.
Không chỉ quấy phá điện thoại, nhóm đòi nợ còn lấy hình của ông Toàn, lãnh đạo công ty đăng lên các diễn đàn, mạng xã hội vu khống trùm giật nợ, lừa đảo vì đã bao che cho lao động vay tiền. "Có ngày điện thoại của tôi không thể nhận được cuộc gọi của bất kỳ ai vì nhóm người cho vay chiếm sóng từ sáng đến tối", ông Toàn nói.
Bị quấy phá liên tục, song phía các nhà máy khá lúng túng khi xử lý. Bà Kiều Ngọc Hoa, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức), nói nhiều nhân viên của nhà máy cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tuy nhiên khi trình báo với cơ quan công an nhờ hỗ trợ xử lý thì nhận được câu trả lời phía đòi nợ dùng sim rác và Facebook ảo nên khó xử lý.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM, cho biết công đoàn thành phố nhận được khá nhiều báo cáo từ cơ sở về tình trạng các nhà máy bị nhiều người quấy phá. Nguyên nhân xuất phát từ việc công nhân vay nặng lãi, mất khả năng trả nợ, bỏ số điện thoại đăng ký.
Theo bà Thúy, khó khăn của dịch bệnh, người lao động kiệt quệ tài chính, không có nguồn tích lũy nên rất cần chỗ vay mượn bù đắp các khoản chi tiêu. Công đoàn thành phố có Tổ chức tài chính vi mô CEP, hỗ trợ các khoản vay tín chấp lãi suất rất thấp cho người lao động. Nếu công nhân gặp các tình huống khẩn cấp như đau ốm, tai nạn... cần tiền có thể liên hệ công đoàn cơ sở tại nơi làm việc. Nhân viên CEP sẽ xuống tận nơi hỗ trợ và ưu tiên giải ngân trong 24 giờ.
Tuy nhiên, nhu cầu của công nhân quá lớn mà vốn của CEP hạn chế nên không thể phủ hết. Trong khi các ứng dụng cho vay tiền, tín dụng đen lại hoạt động rầm rộ, tiếp cận công nhân dễ dàng, giải ngân nhanh chóng. Bà Thúy đề xuất ngân hàng nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ vốn cho các tổ chức tín dụng như CEP, các quỹ phi lợi nhuận của các đoàn thể để có thêm nguồn vốn hỗ trợ người lao động, tránh tín dụng đen trong giai đoạn sau dịch.
Lãnh đạo Liên đoàn lao động TP HCM cho rằng mặc dù thỏa thuận vay mượn giữa hai bên là quan hệ dân sự. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần xem xét đến yếu tố lãi vay quá cao và cách thức đòi nợ tác động tiêu cực đến người lao động, doanh nghiệp để có phương án xử lý, giúp các nhà máy ổn định sản xuất.
Tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng với công nhân hôm 12/6, Thượng tướng Công an Lương Tam Quang cho biết nhiều tổ chức tín dụng đen núp dưới vỏ bọc huy động vốn, góp tài sản kinh doanh, cho công nhân vay lãi suất đến 1.000%/tháng. Ba năm qua, Bộ Công an đã phát hiện xử lý 2.740 vụ việc, trong đó hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hai công ty tài chính kích hoạt gói vay 20.000 tỷ đồng nhằm xóa sổ tín dụng đen bủa vây công nhân. Theo đó, gói tín dụng có lãi suất bằng một nửa lãi suất cho vay hiện tại, hỗ trợ lao động trong khu công nghiệp. Mức vay cho tiêu dùng, sinh hoạt tối đa 70 triệu đồng mỗi người, thời hạn 3 tháng đến dưới 3 năm.
Lê Tuyết