Kinh phí trích từ nguồn tài chính tích lũy của công đoàn các cấp, theo quyết định ngày 24/8 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Một triệu đồng hỗ trợ sẽ chi qua bữa ăn cho công nhân đang thực hiện "3 tại chỗ" trong nhà máy. Công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên làm việc trực tiếp với chủ doanh nghiệp về phương thức tổ chức, khẩu phần ăn, rồi chuyển kinh phí cho doanh nghiệp và giám sát thực hiện bữa ăn cho công nhân.
Tiền hỗ trợ do công đoàn cấp trên chi trực tiếp cho công đoàn cơ sở. Công đoàn cơ sở (trong doanh nghiệp, công ty) thống kê số lao động đang "3 tại chỗ", báo lại công đoàn cấp trên để thẩm định và cấp kinh phí. Nếu doanh nghiệp đã đóng kinh phí song chưa có tổ chức công đoàn, thì công đoàn cấp trên rà soát số lượng người lao động để chi hỗ trợ.
TP HCM đang có 920 doanh nghiệp vừa cách ly vừa sản xuất tại chỗ, với hơn 12.800 lao động "3 tại chỗ"; Bình Dương có hơn 3.200 doanh nghiệp, 272.000 lao động. Đồng Nai 1.129 doanh nghiệp, hơn 125.000 công nhân đang "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến".
Tính tới 16/8, Tổng liên đoàn đã chi khoảng 1.200 tỷ đồng hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động. Hình thức chi tiền trực tiếp cho người lao động F0 hoặc F1 có hoàn cảnh khó khăn, tặng các túi an sinh.
Hệ thống công đoàn Việt Nam hiện có hơn 126.000 công đoàn cơ sở; hơn 10,5 triệu đoàn viên công đoàn. Cuối năm 2019, nguồn kinh phí công đoàn tích luỹ đạt gần 29.000 tỷ đồng. Số dư này có ở cả bốn cấp công đoàn và tăng dần qua các năm.
Phương Tuyết