Cùng với sự phát triển của thị trường di động, các dịch vụ tiện ích từ đơn giản đến phức tạp của nhà mạng cũng ngày càng nở rộ. Người ta chẳng còn sức để thống kê trong vòng 3 năm trở lại đây, có bao nhiêu dịch vụ tiện ích mới ra đời. Chỉ biết rằng, cả 7 nhà khai thác di động hiện nay khi đưa ra sản phẩm, ứng dụng mới đều có một đặc tính khá chung là đặt tên dịch vụ với cái tên rất "Tây".
Chị Thu - Chủ đại lý kinh doanh thẻ sim ở phố Hồ Đắc Di, Hà Nội kể, hồi mới mở cửa hàng, chị cứ bị "loạn cào cào" bởi các cái tên nước ngoài. Chỉ tính riêng cách phát âm các gói cước và đặc tính của từng loại để giới thiệu cho khách hàng cũng đủ khiến chị Thu cảm thấy "tối tăm cả mặt mũi". Nào là gói cước VinaCard, Vinatext, VinaDaily... của VinaPhone, Mobi4U, Mobi-Q, Mobi-Student, Q-Teen... của MobiFone. Hiểm hơn, mạng di động Viettel không chỉ sử dụng tên tiếng Anh như Economy, Tomato, hãng còn sử dụng cả tiếng Italy - Ciao (chào ngày mới tươi đẹp) để đặt tên cho gói cước của mình.
Người dùng di động không mấy xa lạ với cách đặt tên gói cước kiểu như thế này. Ảnh: beeline. |
Theo chị Thu, không chỉ 3 mạng di động đại gia VinaPhone, MobiFone, Viettel, các mạng di động nhỏ cũng đua nhau chọn các chữ tiếng Anh khá "mĩ miều" để đặt tên cho dịch vụ của mình. Mạng di động Beeline với gói cước BigZero, BigKool; Hãng viễn thông Vietnamobile với các cái tên như Maxi Talk, Maxi 24... Mạng di động S-Fone với các gói cước cũng được Tây hóa như Forever, Smile, Frend, Daily, Happy, Free...
"Nói thật, tôi cũng biết chút chút tiếng Anh mà phát âm còn khó. Nhưng xem ra chẳng có dịch vụ nào của nhà mạng được đặt tên bằng tiếng Việt", chị Thu nói.
Năm 2007, dịch vụ nhạc chuông chờ được các mạng di động rầm rộ triển khai. Thế nhưng, như một phần mềm cài đặt sẵn, cả 3 mạng di động đều lần lượt đặt tên cho dịch vụ này với cái tên rất "sặc mùi ngoại". Viettel với dịch vụ nhạc chuông chờ Imuzik, MobiFone với Funring, VinaPhone với cái tên RingTunes.
Khi 3G ra đời với các dịch vụ ứng dụng trên đó cũng lần lượt được nhà mạng tung ra. Người dùng di động cũng không mấy xa lạ với những dịch vụ như Video Call (gọi điện thoại bằng hình ảnh), dịch vụ truy nhập Internet băng rộng tốc độ cao Mobile Internet, hay MobiTV... Ngoài ra, 3 ông lớn di động còn tung ra thị trường loại USB truy cập Internet bằng sóng di động với cái tên cũng được Tây hóa như Mobile BroadBand của VinaPhone, FastConnet của MobiFone và D-com 3G của Viettel.
Rồi, khi trái táo iPhone 3GS chính hãng có mặt ở thị trường, hai hãng viễn thông VinaPhone, Viettel cũng lần lượt đưa ra các gói cước kèm theo những cái tên cũng rất ngoại. VinaPhone với 3 gói cước iTouch 1, iTouch 2 và iTouch 3. Còn Viettel với 4 gói cước iPhone 1, 2, 3 và 4.
Mới đây, VinaPhone tung ra dịch vụ "bán sim kèm dế" với bộ sản phẩm Alo. Khi phát âm, ai cũng nghĩ là sản phẩm có cái tên thuần Việt (a-lô). Thế nhưng, logo, và tên dịch vụ được quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng lại đề chữ "Alo" khiến không ít người đặt câu hỏi cái tên này thực chất là "Tây" hay "Ta".
Lấy tên "tây" đặt tên cho dịch vụ "ta" đang trở thành thứ mốt trên thị trường di động. Người tiêu dùng cũng bắt đầu quen dần. Còn lãnh đạo hãng viễn thông trong các buổi giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đều mất khá nhiều thời gian để giải thích cho quan khách lý do đặt tên "ngoại". Lý do được cho là chính đáng nhất khiến những cái tên "Tây" ra đời vẫn là: Nghe xuôi tai và diễn đạt được nhiều điều mà nhà mạng muốn nói. Đồng thời, kiểu đặt tên dịch vụ như vậy cũng khiến cho khách hàng cảm nhận được họ đang tiếp cận dịch vụ công nghệ cao...
Phan Linh Anh