Một tuần sau lễ vinh danh giải Khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture được sáng lập bởi vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng, dư âm vẫn đọng lại.
TS Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, cả 4 công trình thưởng được vinh danh đáp ứng tính mới, tính tiên phong, hàm lượng khoa học, khả năng ứng dụng cao và giá trị nhân văn phục vụ nhân loại. "Giải thưởng thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng Việt Nam, thế giới. Người dân đã và sẽ được hưởng lợi từ những phát minh, sáng chế đó", ông nói và nhắc tới ba nhà khoa học có công đầu trong việc đặt nền móng cho công nghệ vaccine mRNA.
Sau vaccine Covid-19, căn bệnh HIV vốn đang là bài toán khó đối với các nhà khoa học. Phát minh gel hỗ trợ phòng chống HIV của cặp vợ chồng nhà khoa học Nam Phi như một phần lời giải, mang hy vọng cho phụ nữ toàn cầu trong việc chủ động phòng lây nhiễm.
Ông Khải cho rằng lần đầu tiên Việt Nam tổ chức giải thưởng với nhiều đề cử xuất sắc và có sự tham gia của nhiều nhà khoa học tầm cỡ quốc tế, có ảnh hưởng lớn, giúp mở ra cơ hội kết nối và truyền cảm hứng cho các nhà khoa học Việt Nam. "Việc mời được những nhân vật xuất chúng về khoa học thế giới, trong đó có nhiều tác giả giải Nobel đến Việt Nam, tham gia hội đồng giải thưởng, khơi dậy tình yêu khoa học, niềm tự hào, giúp các nhà nghiên cứu trẻ nung nấu thêm hoài bão, ước mơ và đam mê sáng tạo", TS Khải nói.
Theo TSKH Nghiêm Vũ Khải, nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam đang học tập và làm việc ở các nước tiên tiến như nhóm G7, G20. Họ được đào tạo bài bản ở những trường đại học danh tiếng. Bởi vậy, giải thưởng này tạo cơ hội, động lực để họ xúc tiến trao đổi, kết nối và xây dựng đội ngũ trí thức có năng lực thực hiện các nghiên cứu đem lại hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Hiện nay công nghệ số và thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể giúp các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu chung từ xa, không nhất thiết phải trở về Việt Nam. "Hy vọng, không lâu nữa sẽ có những nhà khoa học Việt Nam đạt được giải thưởng VinFuture", ông Khải kỳ vọng.
Tại sự kiện trao giải tối 20/1, GS. TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đánh giá, giải thưởng đặc biệt có ý nghĩa với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. "Một giải thưởng vị nhân sinh, vì cộng đồng là nguồn cảm hứng, cổ vũ, động viên cho người làm khoa học", ông nói. Ông cũng hy vọng VinFuture sẽ là nguồn cảm hứng để các nhà khoa học trẻ, kết nối các nhà khoa học xuất sắc toàn cầu, để Việt Nam trở thành trung tâm của các nhà khoa học trên thế giới, đẩy mạnh các hợp tác nghiên cứu, chuyển giao, phát triển, tăng trưởng nhờ khoa học công nghệ.
Đánh giá cao về quy mô, tính tác động của giải thưởng nhưng nhiều nhà khoa học quan tâm tới tính bền vững của giải thưởng. Chia sẻ với VnExpress, một nhà khoa học trẻ cho rằng, giữa muôn vàn giải thưởng cả trong nước và thế giới, việc tạo ra chất riêng, đặc biệt để thành thương hiệu uy tín là chuyện không dễ. Ông nhắc tới giải Nobel được điều hành bởi Quỹ Nobel tại Stockholm lập ra từ năm 1901 dựa trên tài sản của Alfred Nobel, nhà phát minh kiêm doanh nhân Thụy Điển, được duy trì đến nay và vẫn giữ được "chất" của giải. "Với VinFuture nếu theo đuổi được chất riêng và tính bền vững thì đó là thương hiệu vô giá do người Việt sáng lập", ông nói.
Ở góc độ khác, với tổng giá trị các giải thưởng lên tới 4,5 triệu USD cũng là "con số đáng nói". Ông cho rằng, người sáng lập quỹ và giải thưởng đã nhìn thấy con đường phía trước để phát triển bền vững lâu dài không thể thiếu khoa học công nghệ. Hiện các tập đoàn lớn đã hình thành nhóm nghiên cứu, tập hợp nhân lực khoa học trẻ, ưu tú ở nhiều thế thế hệ để kết nối và phát triển khoa học công nghệ.
"Khi doanh nghiệp nhận ra sự thiết thực, họ sẽ có cách để giữ, nuôi dưỡng từ lý thuyết đi vào thực tiễn, thương mại hóa sản phẩm phục vụ đời sống và phát triển kinh tế", TS Khải nói.
Như Quỳnh