PGS Nguyễn Trung Minh, Tổng Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam cho biết hàng chục nghìn di vật là mảnh gốm, công cụ đá, mảnh tước, xương răng động vật, xương sọ người... do các nhà khoa học vừa phát hiện đang được bảo tồn nguyên bản. Kết quả này có được từ đề tài nghiên cứu do TS La Thế Phúc, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, chủ trì.
Trong dự kiến của đề tài, các nhà khoa học sẽ xây dựng mô hình bảo tàng tại chỗ bàn giao lại cho địa phương phục vụ cho việc trưng bày trong khu vực công viên địa chất Đắk Nông.
Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban Quản lý công viên địa chất núi lửa Krông Nô, phát hiện này là chứng cứ khoa học có giá trị bổ sung đầy đủ, chi tiết hơn vào hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu toàn cầu đối với công viên địa chất Đắk Nông.
Mục tiêu cuối cùng của công viên địa chất là bảo tồn cả địa chất, thiên nhiên và văn hóa, kèm theo đó là phát triển du lịch. Thách thức hiện nay của địa phương là đón khách du lịch nhưng phải bảo tồn, bà An đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu đề xuất môi trường cần thiết để tránh tác động xấu đến di vật, hang động.
Trong thời gian tới, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, cơ quan, địa phương để tiếp tục nghiên cứu chi tiết, bổ sung loại hình cư trú mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ Tây Nguyên. Các hướng nghiên cứu mới về khảo cổ hang động núi lửa ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á cũng được lưu tâm.TS La Thế Phúc, Chủ nhiệm đề tài cho biết, từ kết quả hiện tại các nghiên cứu tiếp theo có thể đi sâu tái tạo lại cảnh sinh hoạt của người tiền sử.
"Cần phải có những nghiên cứu sâu hơn, diện rộng hơn để có thêm những phát hiện mới phục vụ cho khoa học và phát triển kinh tế địa phương", TS La Thế Phúc nói.
Cuộc khai quật di chỉ khảo cổ hang động núi lửa ở Krông Nô thực hiện theo quyết định số 52 ngày 9/1/2018 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp Nhà nước: "Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy ví dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đăk Nông", thực hiện từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2020.
Các nhà khoa học đã phát hiện 3 di tích mộ táng nằm trong khoảng độ sâu 0,75 - 1,40m. Trong đó có xương sọ người tiền sử được xác định có niên đại cách đây 7.000 năm.
Hàng chục nghìn di vật, gồm: hiện vật đá, đồ gốm, xương động vật, vỏ nhuyễn thể, các nhóm công cụ lao động mảnh rìu, mảnh tước...