Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam vừa công bố kết quả về di tích của người tiền sử trong hang núi lửa ở Công viên Địa chất núi lửa Krông Nô, Đắk Nông.
Để xác định được niên đại cách đây 7.000-4.000 năm, TS La Thế Phúc, Chủ nhiệm đề tài cho biết đó là hành trình dài. Có những khi gần như "nín thở" chờ kết quả bởi hàng trăm năm qua các nhà khoa học đã tìm kiếm dấu tích của người tiền sử ở hang núi lửa mà chưa thấy. Vì thế khi phát hiện được mộ táng, nguyên mộ hơn 20 kg đã được mang về Hà Nội để nghiên cứu.
PGS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam kể lại, ông cùng một họa sĩ đã đổ khuôn từ bộ xương thật thành 5 bộ xương bằng composite phục vụ để trưng bày sau này.
Sau đó, từng phần của hộp sọ với các chi tiết xương khác được tháo dỡ cẩn thận. Do xương được táng khá lâu và quá mảnh nên “dù chúng tôi tiến hành rất cẩn trọng nhưng sau đó hộp sọ vẫn bị vỡ tan ra thành trăm mảnh”, PGS Cường nói.
Mất hơn hai tháng ông mới lắp lại hộp sọ đúng như ban đầu dựa trên hàng trăm chỉ số khác nhau từ hộp sọ, hốc mũi, hốc mắt... Những chỉ số được đo đạc tính toán sau đó cho thấy đây là sọ của bé gái 4 tuổi.
Để xác định niên đại, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu than củi tìm thấy trong hố thám sát, xương người... gửi đến các phòng thí nghiệm. Phương pháp phổ biến được sử dụng là xác định đồng vị carbon (C14) trên mẫu vật.
Hiện ở Việt Nam có hai phòng thí nghiệm có thể áp dụng phương pháp này nhưng do chưa được thế giới công nhận hợp chuẩn nên nhóm nghiên cứu đã gửi sang Nga và Mỹ đồng thời kiểm định. Kết quả cả hai phòng thí nghiệm đều đưa ra thời gian trùng khớp, các di vật có niên đại cách đây 7000-4000 năm.
Sở dĩ di cốt người và các vật dụng giữ được lâu như vậy là do nhiệt độ trong hang thấp hơn bên ngoài (duy trì 22-26 độ C) cùng với môi trường canxi giúp giữ được bộ xương tới 7.000 - 4.000 năm.
Dùng phương pháp ADN xác định chủng tộc
Sau khi có niên đại, việc tiếp theo là xác định nguồn gốc người thuộc chủng tộc nào. Đây sẽ là cơ sở để xác định tập tục sống, môi trường khí hậu thời kỳ đó cũng như lịch sử phát triển xã hội loài người.
Để làm được, thông thường các nhà khoa học sẽ dùng phương pháp giám định gene (ADN). Tuy nhiên PGS Nguyễn Lân Cường cho biết phương pháp này rất khó vì không phải mẫu nào cũng đạt do thời gian quá lâu.
Các thí nghiệm phải sử dụng mẫu là mỏm chũm của xương tai chứ không phải mẫu bất kỳ như làm với người sống. Vì vậy việc đo đạc xác định chủng tộc đang được chọn là phương pháp chính.
Hiện chỉ số hốc mũi của sọ người tìm được khá rộng nên PGS Nguyễn Lân Cường nhận định đây là đặc điểm của chủng tộc đen. Cộng thêm chi tiết răng cửa sữa mòn vẹt, có thể giải thích người xưa sử dụng nguồn thức ăn chủ yếu là trai, ốc, hến khiến các em nhỏ sớm bị mòn răng.
"Những thông tin này chưa đủ để kết luận. Chúng tôi tiếp tục khai quật tìm kiếm sọ người lớn để có cơ sở chắc chắn hơn", PGS Cường cho biết.
Phương pháp đồng vị carbon 14:
14C được thành tạo trong khí quyển theo các phản ứng hạt nhân chủ yếu do tác động của neutron với các đồng vị bền N, O và C. Trong suốt đời sống của sinh vật xảy ra sự trao đổi thường xuyên 14CO2 giữa các tế bào và không khí. Hoạt tính của 14C trong các tế bào sống trong suốt đời sống của chúng là một đại lượng ổn định và phụ thuộc vào hoạt tính của 14C trong khí quyển.
Khi các sinh vật chết đi, sự hấp thụ 14C từ khí quyển bị ngừng lại và do phân rã phóng xạ nên hoạt tính của 14C bắt đầu bị giảm. Nếu biết được hoạt tính 14C trong tế bào sống, hoạt tính của 14C trong tế bào sinh vật chết có thể tính được thời gian xảy ra từ lúc ngừng hoạt động sống. Khoảng thời gian đó chính là tuổi carbon của mẫu.
Hang C6-1 lựa chọn thăm dò xác định được 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (sớm nhất): độ sâu 1,85 - 1,4m: đồ đá kích thước lớn, ghè đẽo thô sơ (gồm: công cụ chặt, mũi nhọn, nạo hình đĩa, rìu hình bầu dục...), xương thú lớn, hiếm vỏ nhuyễn thể; niên đại 7.000 - 10.000 năm
Giai đoạn 2: độ sâu 1,4 - 0,75m: đồ đá kích thước nhỏ hơn (gồm: hình bầu dục, công cụ thắt eo hai bên, công cụ hình đĩa, rìu ngắn, dao cắt, nạo, những mũi nhọn từ mảnh tước); hòn ghè, chày nghiền, hòn kê, bàn mài; xương động vật nhỏ, vỏ nhuyễn thể (có ốc biển); có 3 mộ táng niên đại 4.000 - 7.000 năm.
Giai đoạn 3: độ sâu từ 75 - 30cm: xương cốt động vật thường to hơn, ốc suối, trai xuất hiện nhiều hơn, nhưng kích thước nhỏ hơn giai đoạn trước. Công cụ ghè đẽo thô còn tồn tại, xuất hiện rìu mài toàn thân, công cụ xương chủ yếu là mũi nhọn mài, chưa xuất hiện đồ gốm. Phản ánh đặc điểm văn hóa giai đoạn hậu kỳ Đá mới.
Giai đoạn 4: độ sâu từ 30 - 0cm: rìu tứ giác mài toàn thân, công cụ mũi nhọn bằng xương, mũi tên đồng có ngạnh, đặc biệt là sự xuất hiện đồ gốm. Phản ánh sơ kỳ Kim khí ở Tây Nguyên.